Chuyến công du “ghi điểm”

(ANTĐ) - Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ B. Obama đã tới Afghanistan, điểm dừng chân đầu tiên trong các chuyến công du đến “vùng chiến tranh”, nhằm đánh bóng hình ảnh của mình khi mà thời điểm bầu cử đã cận kề.

Chuyến công du “ghi điểm”

(ANTĐ) - Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ B. Obama đã tới Afghanistan, điểm dừng chân đầu tiên trong các chuyến công du đến “vùng chiến tranh”, nhằm đánh bóng hình ảnh của mình khi mà thời điểm bầu cử đã cận kề.

Chưa bao giờ kể từ khi mở màn cuộc tranh cử chiếc ghế trong Nhà Trắng, ông B. Obama lại ở vào tư thế thuận lợi như hiện nay. Một cuộc tham khảo ý kiến qua điện thoại cử tri cả của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trên phạm vi cả nước cho thấy có 47% số người được hỏi cam kết sẽ bỏ phiếu cho ông B. Obama trong ngày bầu cử 4-11 tới so với 42% ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa McCain.

Ông Obama trao đổi với Tổng thống Afghanistan
Ông Obama trao đổi với Tổng thống Afghanistan

Sau 8 năm sống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống G. Bush, nước Mỹ bị chia rẽ bởi những dòng tư tưởng khác nhau và cuốn vào những cuộc chiến tranh, người Mỹ đã quá mệt mỏi và muốn có ai đó nói với họ về sự đoàn kết, đưa họ đến với những sự thay đổi. Là kết quả của mối tình giữa một người đàn ông da đen Kenya nhập cư và một người phụ nữ Mỹ da trắng, ông B. Obama được coi là “biểu tượng của những nỗ lực vượt lên trên mọi biên giới của nạn phân biệt chủng tộc”, là “niềm hy vọng và là ước mơ của nước Mỹ” hiện nay.

Thế nhưng, sức bật tuổi trẻ và sự năng động chưa tạo ra ưu thế lấn át hoàn toàn của ông B. Obama so với đối thủ McCain, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Kết quả cuộc điều tra dư luận, do hãng tin ABC và tờ “Bưu điện Washington” tiến hành, cho thấy ông McCain được người dân Mỹ đánh giá là trội hơn trong vai trò tổng tư lệnh quân đội nhờ quá khứ là cựu binh trong chiến tranh Việt Nam.

Biết rõ điểm yếu của mình, ông B. Obama đã chủ động tìm kiếm một cựu lãnh đạo quân sự làm liên danh trong tấm vé tranh cử của Đảng Dân chủ, để vừa làm đối trọng với hồ sơ quân ngũ khá mạnh của ông McCain, vừa để bù đắp sự thiếu kinh nghiệm của mình trong các vấn đề an ninh-đối ngoại. Trong danh sách lựa chọn của ông B. Obama, người ta thấy nhiều cái tên khá nổi tiếng như tướng T. McPeak, từng là Tham mưu trưởng không quân trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc”; tướng H. Shelton, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân; tướng W. Clark, chỉ huy cuộc chiến Kosovo; Tướng J. Jones, cựu Tư lệnh NATO…

Tuy nhiên, yếu tố quyết định thắng cử không thể do phụ tá tạo ra. Chính vì thế, chuyến công du của ông B. Obama đến “vùng chiến tranh”, đặc biệt là hai chiến trường chính của quân đội Mỹ hiện nay là Iraq và Afghanistan, được coi như đòn quyết định nhằm thay đổi thái độ của cử tri Mỹ đối với chính sách đối ngoại của ông B. Obama. Tuy không phải là điều kiện cần nhưng nếu thành công, chuyến đi sẽ tạo đủ cơ hội cho ông B. Obama nhận được sự ủng hộ to lớn của cử tri trong nước như một nhân vật đáng tin cậy, có khả năng làm tổng thống và tổng tư lệnh quân đội Mỹ.

Điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông B. Obama so với đối thủ McCain là quan điểm của ông với hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Theo ông B. Obama, Iraq chưa bao giờ là mặt trận trung tâm trong cuộc chiến chống khủng bố, mà vị trí này phải thuộc về Afghanistan. Ông B. Obama cho rằng, cuộc chiến ở Iraq là một “sự lãng phí”, còn cuộc chiến tại Afghanistan là “nơi Mỹ cần phải thắng”. Do đó, ông ủng hộ việc chấm dứt sự tham chiến của binh sĩ Mỹ tại Iraq thông qua việc mỗi tháng rút từ 1 - 2 lữ đoàn lính Mỹ về nước để tăng cường sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, nơi Taliban đang củng cố lực lượng để trỗi dậy.

Trong bối cảnh quân Mỹ đang “sa lầy” ở Iraq, quan điểm của ông B. Obama tỏ ra khá có sức thuyết phục. Tuy nhiên, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng còn phụ thuộc rất nhiều vào việc ông B. Obama “ghi điểm” thế nào trong chuyến đi tới các khu vực chiến sự lần này. Mọi động thái cũng như lời phát biểu sơ sẩy của vị Thượng nghị sĩ 46 tuổi này đều có thể phải trả giá đắt.

Hoàng Sơn