Chuyện ẩm thực của những bà chủ Nhà Trắng

ANTD.VN - Đã 3 tháng kể từ khi bà Melania Trump trở thành Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, nhưng những người dù tò mò nhất vẫn biết rất ít về sở thích ăn uống của bà, ngoại trừ việc bà ăn 7 loại trái cây mỗi ngày. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu bà Melania sẽ tác động thế nào đến ẩm thực của Nhà Trắng và cả nước Mỹ nói chung - một vai trò thường thấy như các đệ nhất phu nhân khác.

Chuyện ẩm thực của những bà chủ Nhà Trắng ảnh 1Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama ngày 4-4 đã lập quỹ trị giá 2,5 triệu USD để duy trì khu vườn rau trong Nhà Trắng 

Không nói đâu xa, với cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama, thực phẩm được xác định là một chủ đề trong chương trình nghị sự trước khi bà chuyển đến số 1600 Đại lộ Pennsylvania. Ông Sam Kass, cựu đầu bếp từng phục vụ 6 năm trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama cho biết: “Phu nhân khá căng thẳng trong việc đảm bảo bữa ăn để con cái khỏe mạnh. Đó là nền tảng và triết lý mà chúng tôi hướng đến”. Bởi thế, đầu bếp Sam Kass đã thay đổi chế độ ăn uống của gia đình Obama, tăng lượng trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt, giảm bớt thực phẩm chế biến và món tráng miệng. 

Ngoài đam mê làm vườn, trồng rau trong Nhà Trắng, bà Michelle Obama cùng đội ngũ nhân viên đầu bếp của Nhà Trắng còn đưa ra sáng kiến “Hãy chuyển đổi” để cải thiện bữa ăn trưa ở trường học cũng như đơn giản hóa mô hình thực phẩm kiểu kim tự tháp. Có lẽ bà Michelle Obama dành ưu tiên cho thói quen ăn uống lành mạnh hơn bất kỳ đệ nhất phu nhân nào khác trong lịch sử nước Mỹ. 

Trong quá khứ, ẩm thực của Nhà Trắng cũng phần nào nói lên lịch sử nước Mỹ. Ví dụ thời kỳ đại suy thoái, phu nhân Eleanor Roosevelt với sự trợ giúp của các chuyên gia Đại học Cornell đã nghĩ ra bữa ăn “bảy xu rưỡi”, hội đủ yếu tố dinh dưỡng và kinh tế và chia sẻ với Tổng thống Franklin D. Roosevelt cùng khách mời đến Nhà Trắng. “Bữa ăn kiểu đó đơn giản là kinh tế và bổ dưỡng, đó là tuyên bố quan trọng ở thời điểm suy thoái”, nhà sử học Carl Anthony nhận xét.

Sau sự thắt lưng buộc bụng của đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, phu nhân Mamie Eisenhower cũng chú trọng đến tính hiệu quả và tiết kiệm trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng trong những năm 1950. Là vợ một quân nhân, quản lý tài chính của gia đình trong nhiều năm, bà Mamie Eisenhower luôn tận dụng tối đa thực phẩm dư thừa, nếu bữa tối còn để lại một lượng lớn gà tây, hôm sau nhà bếp sẽ làm món gà tây băm. Bởi vậy, bà cũng say mê với mọi cách thức chế biến thức ăn đóng hộp.

Trong khi đó, năm 1961, khi bà Jacqueline Kennedy trở thành đệ nhất phu nhân, bà đã tạo nên cuộc cách mạng với hương vị hoàn hảo cho ẩm thực Pháp tại Nhà Trắng. Bà đã thuê đầu bếp René Verdon điều hành khu bếp của Nhà Trắng, hủy bỏ kỷ nguyên ẩm thực ảm đạm của những người tiền nhiệm, bữa ăn thông thường có 3 món chính. “Bà Jackie Kennedy muốn thể hiện sự tinh tế của nước Mỹ đối với thế giới. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã đến tuổi trưởng thành và đệ nhất phu nhân cảm thấy rằng nước Mỹ phải được xem như ngang hàng với Anh, Pháp và Nga”, nhà sử học Carl Anthony nói.

Giống như bà Jackie Kennedy, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton muốn tạo ra sự đa dạng trong ẩm thực của Nhà Trắng. Khẩu vị của bà là thực phẩm và rượu vang của Mỹ cũng như các thực đơn lành mạnh và hương vị toàn cầu. Bà đã thuê một đầu bếp người Mỹ tên là Walter Scheib từ khu nghỉ dưỡng Greenbrier sang trọng ở Tây Virginia. 

“Chúng ta chưa rõ điều gì sẽ xảy ra sau thời đại Michelle Obama. Liệu đệ nhất phu nhân Melania Trump có thể tạo ra một tầm nhìn mới về ẩm thực? Chúng tôi đoán rằng bà Melania Trump không nấu nướng, nhưng không ai biết được. Biết đâu bà vẫn vào bếp với mẹ mình và nấu món ăn yêu thích”, ông Anthony nói.