Chuyển 2.800 tỷ đồng hỗ trợ thuê nhà sang giải quyết việc làm cho người lao động là không phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển khoảng 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động sang cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay chương trình giải quyết việc làm là không phù hợp.

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản phúc đáp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) liên quan đến vấn đề kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 12/4/2023, ngân sách trung ương đã cấp bổ sung 4.264,4 tỷ đồng cho 40/61 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Hiện nay, qua rà soát vẫn còn 35/61 địa phương chưa có báo cáo kết quả chi ngân sách cho chương trình này, vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở xác định chính xác nguồn kinh phí thừa/thiếu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bộ Tài chính không tán thành việc chuyển nguồn kinh phí dư thừa thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà sang hỗ trợ việc làm

Bộ Tài chính không tán thành việc chuyển nguồn kinh phí dư thừa thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà sang hỗ trợ việc làm

Về đề xuất chuyển nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư sang thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tài chính cho biết:

Theo báo cáo của NHCSXH, đến ngày 09/4/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội là 16.500 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Dự kiến đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ các chương trình nêu trên ước đạt 21.535 tỷ đồng, thấp hơn 16.865 tỷ đồng so với kế hoạch được giao.

Toàn bộ nguồn vốn dự kiến bố trí thừa nêu trên NHCSXH đang đề xuất điều chuyển sang cho vay chương trình giải quyết việc làm.

Về nhu cầu và dự kiến bố trí vốn chương trình giải quyết việc làm, theo báo cáo của NHCSXH, dự kiến nhu cầu vốn chương trình giải quyết việc làm trong 02 năm 2022 và 2023 là 43.140 tỷ đồng.

Trong năm 2022, NHCSXH đã được bố trí bổ sung 15.949 tỷ đồng để cho vay chương trình này. Đối với năm 2023, NHCSXH đang bố trí 5.600 tỷ đồng trong nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng thông thường hàng năm do Thủ tướng Chính phủ giao để cho vay.

Ngoài ra, NHCSXH cũng đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chuyển 16.865 tỷ đồng vốn không giải ngân hết của các chương trình tín dụng khác trong Chương trình phục hồi nêu trên chuyển sang cho vay chương trình giải quyết việc làm.

Như vậy, nếu được cấp có thẩm quyền thông qua như đề xuất của NHCSXH, trong năm 2023 chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ được bố trí 38.414 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuyển khoảng 2.800 tỷ đồng sang cấp bù lãi suất và phí quản lý để NHCSXH huy động thêm 30.000 tỷ đồng cho vay chương trình giải quyết việc làm là không phù hợp.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, theo báo cáo nêu trên, dự kiến NHCSXH chỉ thiếu so với nhu cầu cho vay giải quyết việc làm khoảng 4.726 tỷ đồng. Việc Bộ LĐ-TB&XH dự kiến giao NHCSXH hội huy động thêm 30.000 tỷ đồng để cho vay là thừa so với nhu cầu, dẫn đến lãng phí nguồn lực, làm tăng áp lực huy động vốn.

Thêm nữa, trong giai đoạn 2022-2023, NHCSXH được bố trí 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất và phí quản lý cho chương trình phục hồi. Tuy nhiên, cơ bản NHCSXH cũng không sử dụng hết số cấp bù lãi suất và phí quản lý nêu trên. Do đó, việc đề xuất chuyển thêm khoảng 2.800 tỷ đồng chương trình này là không phù hợp.

Ngoài ra, đề xuất giao NHCSXH huy động bổ sung khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay chương trình giải quyết việc làm là khó khả thi và sẽ tạo áp lực lớn lên nguồn vốn thực hiện của NHCSXH.