Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán thu hút hàng trăm nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá đang hình thành “hệ sinh thái” về cộng đồng dạy học, nghiên cứu Toán tại Việt Nam thu hút hàng trăm nhà khoa học thế giới.

Công bố Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2020-2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá chương trình này giai đoạn 2010-2020 với việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đã bước đầu hình thành "Hệ sinh thái" về cộng đồng dạy học, nghiên cứu Toán tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán do GS Ngô Bảo Châu đảm nhiệm vị trí Giám đốc khoa học cùng thành viên Hội đồng khoa học của Viện, bao gồm các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế đã tạo dựng được một môi trường học thuật tiên tiến, được cộng đồng Toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt

Viện đã được Hội Toán học Châu Âu công nhận là một trong số ít “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực” của các nước đang phát triển giai đoạn 2013-2017. Năm 2018, Viện tiếp tục được công nhận là Trung tâm xuất sắc của khu vực giai đoạn 2019-2023.

Chương trình cũng tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc. Đồng thời, tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn, góp phần nâng cao vị thế Toán học của Việt Nam.

Thống kê của Viện này cho thấy đã có 315 lượt nhà khoa học nước ngoài đến từ 27 nước, 76 lượt nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã đến Viện làm việc (chưa kể những người tham gia hội nghị, hội thảo khoa học); trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự tham gia trực tiếp của các nhà toán học quốc tế đã thực sự tác động mạnh đến các nhóm nghiên cứu trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

“Những thành tựu nói trên của Chương trình đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).”- PGS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ.

Với vai trò được đánh giá cao, ngày 22/12/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt…

Trước yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao việc các trường ĐH đã và đang củng cố hoặc mở mã ngành ứng dụng Toán trong đào tạo kỹ sư, cử nhân và bậc học cao hơn làm nền tảng cho chuyển đổi số, nhất là trí tuệ nhân tạo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc hình thành đội ngũ giáo viên giỏi toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống; tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với các nhà khoa học quốc tế có uy tín…

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, điều cần hướng tới 10 năm tới là sự chuẩn bị đồng đều của chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam ổn định vị trí trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức.

Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, Toán học Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, do vậy các đội ngũ Toán học phải cố gắng lớn hơn nữa; cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh toán học ứng dụng; duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều có ưu tiên đặc biệt với Toán học.