Chung tay đối phó thách thức chung

ANTĐ - Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc - hội nghị thường niên lớn nhất của nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã bắt đầu với những thách thức gay gắt về hòa bình và an ninh mà cả thế giới đang phải đối mặt.

Chung tay đối phó thách thức chung ảnh 1Nghi lễ chính thức khai mạc Khóa họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York

Khóa họp thứ 70 của Đại hội đồng LHQ đã khai mạc chiều 15-9 tại thành phố New York của Mỹ (rạng sáng 16-9 theo giờ Việt Nam) với sự tham dự của đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế. Tham dự cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 70 Mogens Lykketoft và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon có nhiều vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc… Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ lần đầu phát biểu trước các nhà lãnh đạo trên thế giới tại LHQ vào cuối tháng này sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Phát biểu khai mạc, ông Mogens Lykketoft - Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 70, Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch - cho biết, khóa họp sẽ thảo luận, đồng thời tìm giải pháp cho các thách thức lớn với hòa bình và an ninh thế giới. Đó là những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống như chiến tranh, khủng hoảng nhân đạo, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đói nghèo, tình trạng bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng... 

Thách thức lớn nhất và nghiêm trọng nhất chính là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đi kèm với cuộc khủng hoảng nhân đạo tị nạn - di cư. Nổi lên từ cuộc xung đột tại Syria, IS đã trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm giữ nhiều vùng rộng lớn tại Syria và Iraq, tạo ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng không chỉ với toàn bộ khu vực Trung Đông mà nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước phương Tây.

Cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội Chính phủ Syria cùng các lực lượng vũ trang đối lập kéo dài hơn 3 năm qua cùng cuộc chiến chống lại IS tại cả Syria và Iraq đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Bên cạnh đó, cuộc chiến “kép” này còn buộc hàng trăm nghìn người dân các nước Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Syria, phải đi lánh nạn, tạo thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất với châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khoảng 350.000 người di cư tới châu Âu từ đầu năm tới nay và hơn 3.000 người đã thiệt mạng trong quá trình di cư này. 

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, nếu không đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu để kìm giữ nhiệt độ bề mặt Trái đất vào cuối thế kỷ này không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (năm 1750), tình trạng nước biển dâng cao cùng những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ đẩy hàng triệu người phải di cư lánh nạn, tạo thành làn sóng tị nạn lớn trên toàn cầu.

Trước những thách thức toàn cầu mà riêng lẻ từng quốc gia hay khu vực, kể cả hùng mạnh như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… đều khó có thể ứng phó hiệu quả, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 70 khẳng định, LHQ và nước các thành viên phải có nghĩa vụ hợp tác cùng nhau để giải quyết những cuộc chiến tranh, những cuộc xung đột tàn khốc đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng như cuộc khủng hoảng di cư đang lan rộng. Tổng thư ký LHQ Ban 

Ki-moon cũng nêu rõ hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030 là nhân tố quan trọng để giải quyết các thách thức về đói nghèo, biến đổi khí hậu…