Chung tay đối phó thách thức

ANTĐ - Là cơ quan quy tụ đông đảo nhất các thành viên của LHQ, Đại hội đồng LHQ đã hoạt động tích cực nhằm ứng phó với những thách thức lớn đang đặt ra trên toàn cầu, với toàn thể nhân loại.

Dù tích cực nhưng Đại hội đồng LHQ chưa giúp chấm dứt được cuộc xung đột tại Syria

Phát biểu trước phiên họp ngày 17-9 với sự tham dự của đại diện 193 nước thành viên, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chuẩn bị mãn nhiệm Nassir Abdulaziz Al-Nasser khẳng định, cơ quan này đã phản ứng tích cực và mạnh mẽ trước những thách thức toàn cầu trong năm qua. Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ Đại hội đồng LHQ khoá 66 (tháng 9-2011/tháng 9-2012), theo ông Al-Nasser, là các vấn đề hoà bình và an ninh cũng như chủ quyền của các quốc gia.

Ông Al-Nasser cho biết, việc xem xét tư cách thành viên LHQ của Palestine là vấn đề trung tâm trong nhiệm kỳ lãnh đạo Đại hội đồng khóa họp ĐHĐ LHQ thứ 66 từ tháng 9-2011. Người đứng đầu Đại hội đồng LHQ sắp mãn nhiệm tỏ ra thất vọng trước việc cơ quan này chưa kết nạp Palestine song hy vọng điều này sẽ xảy ra trong tương lai gần. 

Một năm vừa qua, các thành viên Đại hội đồng đã hoạt động tích cực nhằm chung tay giải quyết những biến động chính trị, an ninh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trong đó, Đại hội đồng LHQ đã ra được những nghị quyết về Syria, cũng như công nhận chính quyền Libya mới sau sự sụp đổ của chế độ Muammar Al-Qadhafi kéo dài 41 năm.

Tuy nhiên, cho dù rất tích cực nhưng Đại hội đồng LHQ vẫn chưa giúp tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột đẫm máu tại Syria, cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa đi tị nạn. Bên cạnh sự hoạt động tích cực thì tiếng nói và giải pháp mà Đại hội đồng đưa ra cũng cần phải có trọng lượng hơn mới có thể giúp đưa Syria khỏi lò lửa xung đột hiện nay. 

Cho dù chưa kết nạp được Palestine hay chưa giúp chấm dứt đổ máu tại Syria... nhưng Đại hội đồng LHQ đã ứng phó có hiệu quả với nhiều thách chung trên toàn cầu. Trong đó, ấn tượng nhất là vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20 tại Brazil, một hội nghị đi vào lịch sử như một mốc son khi cộng đồng quốc tế đổi mới quyết tâm chính trị và cam kết ngăn chặn các thách thức môi trường, xã hội và kinh tế.

Trong một năm qua, Đại hội đồng LHQ vẫn tiếp tục các hoạt động đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, và phản đối mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bạo lực gia đình và bất bình đẳng nam nữ.... Bên cạnh đó, Đại hội đồng cũng tích cực tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay cũng như thảo luận các phương án cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ.

Cải tổ Hội đồng Bảo an không chỉ giúp cơ quan quyền lực nhất của tổ chức LHQ dân chủ, hiệu quả, hoạt động vì lợi ích của đại đa số thành viên LHQ hơn... mà điều này còn đi đôi với việc tăng cường tiếng nói, vai trò của Đại hội đồng LHQ trong việc tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu.