Chung sức hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bouason Bouphavanh, sáng 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đến thủ đô Vientiane (Lào) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 3, được tổ chức vào 30-31/3/2008.

Chung sức hợp tác phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bouason Bouphavanh, sáng 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đến thủ đô Vientiane (Lào) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 3, được tổ chức vào 30-31/3/2008.

Lần đầu tiên Lãnh đạo các nước GMS sẽ ký Tuyên bố chung

Hội nghị GMS 3 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường kết nối” thể hiện trọng tâm của các nước GMS là kết nối hạ tầng (giao thông, năng lượng, viễn thông...), coi đó là nền tảng để triển khai kết nối về nguồn lực, con người qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của từng nền kinh tế của cả tiểu vùng.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính gồm: Tăng cường kết nối giao thông; Thuận lợi hoá thương mại và giao thông; Hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để tăng cường thương mại và đầu tư GMS; Đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh và Hợp tác, phát triển GMS. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước GMS sẽ có đối thoại với Diễn đàn Thanh niên GMS; gặp gỡ thành viên Diễn đàn kinh doanh và đầu tư GMS.

Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước GMS dự kiến sẽ ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như: giao thông vận tải, thương mại, điện năng, thông tin...

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hợp tác GMS

Lưu vực sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam chiếm 25% diện tích đất và 35% dân số của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam. Việc tham gia các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong tạo cơ hội cho Việt Nam phát huy được lợi thế và tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển từ các nước trong khu vực và cộng đồng tài trợ quốc tế.

Mục đích cơ bản của các chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong phù hợp với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam (xoá đói giảm nghèo, phát triển vùng, hội nhập quốc tế...). Do vậy, Việt Nam chủ trương tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh trong tiểu vùng Mekong để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập khu vực, tạo điều kiện cho các vùng, các địa phương phát triển, góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Việt Nam là nước có vai trò quan trọng trong hợp tác GMS cả về vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế. Việt Nam có vị trí rất quan trọng là cửa ngõ ra biển phía Đông của toàn bộ tiểu vùng Mekong và gần các tuyến đường biển quốc tế nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Mục tiêu chung của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 3 là

nhằm tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam tăng cường hợp tác và làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế tiểu vùng, thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững tiểu vùng, cũng như phấn đấu từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ở các địa phương dọc các hàng lang của GMS như: Hàng lang kinh tế Đông- Tây, Hành lang kinh tế Bắc – Nam.

Bên cạnh các hoạt động đa phương, theo dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với các vị đồng nhiệm của một số nước thành viên GMS và một số đối tác của GMS để bàn biện pháp đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng như trao đổi ý kiến về một số vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế hợp tác của GMS

Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm các nước: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Từ thập đầu thập kỷ 90, xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập trở thành xu thế chủ đạo đã thúc đẩy hợp tác trong tiểu vùng Mekong. Liên kết, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Mekong là những “động lực” thôi thúc các nước trong lưu vực sông Mekong tìm kiếm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm giải quyết những yêu cầu chung của tiểu vùng Mekong.

Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ban đầu, GMS bao gồm các nước nằm trong lưu vực sông Mekong: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Năm 2004, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã được đưa vào hợp tác GMS. Mục tiêu của GMS là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mekong.

Tường Lâm (tổng hợp)