“Chung sống” với rác thải

ANTĐ - Ô nhiễm môi trường đô thị, nhất là trong các khu công nghiệp trên khắp cả nước đã đến mức báo động. Bởi thế, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường vừa tổ chức hội thảo “công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường tại các khu công nghiệp”. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tổng cục Môi trường, nước ta hiện cần 7,6 tỷ USD để bảo vệ môi trường của 16 ngành, lĩnh vực kinh tế.

Tính đến nay, cả nước có 143 khu công nghiệp (KCN) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải là khoảng hơn 1 triệu m3/ngày đêm, chiếm 35% lượng nước thải toàn quốc, trong đó có hơn 75% không được xử lý xả thẳng vào môi trường.

Theo Cục Cảnh sát môi trường, lượng nước thải trên cả nước chưa được xử lý lên đến 1,5 tỷ m3, trong đó nước thải của các khu đô thị và khu công nghiệp chiếm khoảng 1 tỷ m3, riêng Hà Nội mỗi ngày thải ra trung bình hơn 260.000m3 nước thải công nghiệp. Chất thải rắn cũng rất… nan giải. Mỗi ngày các khu đô thị xả ra khoảng 30.000 tấn, nhưng chỉ thu gom và xử lý được 80%; ở nông thôn là hơn 30.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 50-60%, có nơi chỉ được 20-30%. Xưa nay, rác thải ở Việt nam chủ yếu chỉ chôn lấp tới 80-85%, tỷ lệ hợp vệ sinh chỉ đạt 15-20%.

Đặc biệt tỷ lệ chất thải sinh hoạt tại các đô thị được qua xử lý, tái chế chỉ mới đạt 15%. Đã từng có cuộc vận động phân loại rác thải từ “đầu nguồn”, tức là ngay trong gia đình, “chia” rác ra vô cơ và hữu cơ, nhưng tới nay, đâu vẫn hoàn đó. “Công nghệ” thu gom bằng xe đẩy, xẻng, chổi vẫn tồn tại cả nửa thế kỷ. Những bãi rác lộ thiên tập trung ở các đầu ngõ khu tập thể, chung cư, dọc hai ven đường, là hình ảnh quen thuộc. Đó chỉ là “phần nổi” của rác thải, nước thải từ các khu chế xuất, KCN, các cơ sở sản xuất tư nhân, các làng nghề mới là “phần chìm” khó nhìn thấy của tình trạng ô nhiễm các dòng sông nhất là nguồn nước ngọt cung cấp cho cộng đồng cũng như sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Năm 2011, Phòng Cảnh sát môi trường ở 22 địa phương quy tụ nhiều KCN nhất đã kiểm tra và phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, xử phạt 2,5 tỷ đồng. Thanh tra Tổng cục Môi trường cũng kiểm tra tại 51 KCN, xử lý vi phạm môi trường ở 30 KCN với số tiền 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả xử phạt đó không đáng là bao so với thực trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, từ năm 2006-2011, các dự án bảo vệ môi trường đã ngốn hết 2,9 tỷ USD vốn vay ODA, giai đoạn 2011-2020 còn phải tốn tới 7,6 tỷ USD. Đó là cái giá quá đắt phải trả cho chính những hậu quả mà chúng ta gây ra. Riêng Hà Nội để xử lý nước thải sinh hoạt cần tới 500-800 USD/m3, nước thải công nghiệp cần 500-1.000 USD/m3.

Thiếu hàng tỷ USD là một chuyện, song thiếu văn bản pháp luật, thiếu mức xử phạt mạnh tay và thiếu lực lượng, phương tiện thì trước mắt và lâu dài vẫn phải chấp nhận “chung sống” với rác thải, nước thải.