Chứng minh tài sản đang có ở nước ngoài thế nào?

(ANTĐ) - Hỏi: Vợ tôi đứng đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản nhưng không nói đến việc chia tài sản ở nước ngoài mà hiện nay cô ấy đang quản lý. Tôi thì không thể ra nước ngoài để thu thập tài liệu chứng minh việc cô ấy còn có tài sản ở nước ngoài để trình Tòa án được. Vậy tôi có thể nhờ Tòa án thu thập chứng cứ được không và chi phí để nhờ Tòa án thu thập chứng cứ như thế nào?

Chứng minh tài sản đang có ở nước ngoài thế nào?

(ANTĐ) - Hỏi: Vợ tôi đứng đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản nhưng không nói đến việc chia tài sản ở nước ngoài mà hiện nay cô ấy đang quản lý. Tôi thì không thể ra nước ngoài để thu thập tài liệu chứng minh việc cô ấy còn có tài sản ở nước ngoài để trình Tòa án được. Vậy tôi có thể nhờ Tòa án thu thập chứng cứ được không và chi phí để nhờ Tòa án thu thập chứng cứ như thế nào?

Nguyễn Văn Lễ

(Hà Đông - Hà Nội)

Trả lời: Anh có thể làm đơn nhờ Tòa án thu thập chứng cứ hộ được. Tòa án nơi thụ lý giải quyết đơn của anh sẽ ủy thác tư pháp ra nước ngoài nơi vợ anh có tài sản và anh phải trả 1 chi phí nhất định, vấn đề này được thể hiện tại Điều 16 Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực ngày 1-7-2008 quy định về Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự như sau:

Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả chi phí theo quy định của Việt Nam và của nước yêu cầu. Trong thời hạn mười ngày làm việc, trước ngày quyết định lập hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện ủy thác tư pháp.

 Hồ sơ ủy thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định. Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện ủy thác tư pháp. Theo quy định tại điều 4 Nghị định của Chính phủ số 92/2008 ngày 22-8-2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp cụ thể:

1. Công dân Việt Nam thuộc các đối tượng sau đây được miễn phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự:

- Người nghèo được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật;

- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;  Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tôc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công với cách mạng; Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Người già được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa;

- Người tàn tật được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người bị khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa;

- Trẻ em được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người dưới 16 tuổi không có nơi nương tựa; Người dân tộc thiểu số được miễn phí tương trợ tư pháp về dân sự là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

2. Công dân Việt Nam có yêu cầu được miễn phí thực hiện tương trợ tư pháp phải nộp bản sao có chứng thực và xuất trình bản gốc giấy tờ chứng minh là người thuộc một trong các đối tượng được miễn phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại khoản 1 điều này cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thực hiện ủy thác về dân sự.

LS. Hoàng Thị Nhàn

(VP Luật sư Phúc Thọ, số 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)