Chứng khoán sẽ phục hồi sau nhiều chật vật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết suy giảm trong quý III cùng một số yếu tố khác đã khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tháng 10. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi sau những “vết bầm tím” này.

Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm trong quý III

Quý III là một quý không mấy tích cực nếu xét về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực hơn dự đoán.

Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, trái với kỳ vọng phục hồi trong quý III, lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) đã giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Trong số 46 công ty thuộc danh mục theo dõi của công ty chứng khoán này, có tới 46% không đạt kỳ vọng, 41% theo sát dự phóng trong khi chỉ có 13% là vượt dự báo.

Sự lạc quan từ mùa kết quả kinh doanh quý II đã không được lặp lại trong quý III, đã dẫn đến tâm lý tiêu cực hơn của nhà đầu tư.

“Do thị trường kỳ vọng cao hơn vào kết quả kinh doanh trong nửa cuối 2023, mùa kết quả kinh doanh quý III đã không thể kìm lại đợt bán tháo mạnh gần đây của thị trường” – VNDirect cho biết.

Theo ghi nhận, thép và dầu khí là những ngành đóng góp tăng trưởng hàng đầu, trong khi hóa chất, điện và bất động sản gây thất vọng.

Các công ty vốn hóa trung bình và nhỏ ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực hơn so với các doanh nghiệp vốn hóa lớn trong cả quý III và 3 quý đầu năm.

Tổng lợi nhuận ròng của các công ty vốn hóa vừa và nhỏ giảm lần lượt 14,8% và 24,6% so cùng kỳ trong quý III.

Tổng lợi nhuận ròng trong quý III của VN30 giảm 3,1% so với cùng kỳ và giảm 3,8% so với quý trước. Trong đó, 14 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng so với cùng kỳ, dẫn đầu là PLX (+646%), VJC (+232%), SSI (+111%) và VRE (+66%).

Lợi nhuận quý III của các công ty niêm yết không như kỳ vọng

Lợi nhuận quý III của các công ty niêm yết không như kỳ vọng

Trong số 16 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, MSN và MWG giảm lần lượt 91% và 96% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng của VIC giảm tới 171% trong quý III so với cùng kỳ, do công ty đã ghi nhận khoản doanh thu một lần đáng kể từ việc chuyển nhượng cổ phần công ty con trị giá 8.937 tỷ đồng trong quý III năm ngoái.

Một trong những “cơn gió ngược” của các doanh nghiệp là chi phí lãi vay cao, gây áp lực lên lợi nhuận.

Theo đó, mặc dù đạt mức cao nhất nhiều năm trong quý II/2023, chi phí lãi vay đã vẫn kéo dài xu hướng đến quý III khi tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm % so với quý trước lên 6,8%. Điều này cho thấy việc cắt giảm lãi suất của NHNN chưa tạo ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Do đó, tổng lợi nhuận hoạt động vẫn đang bị chi phí tài chính ăn mòn mặc dù NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách nhiều lần kể từ tháng 3 và lãi suất huy động đã trở lại mức trước Covid-19. Các chuyên gia kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ giảm trong các quý tới do các ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay kể từ quý III.

Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy đạt mức thấp kỷ lục 60,7%, thấp hơn 0,3 điểm % so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ.

Thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm?

Trong quý III, thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy tích cực, nhất là trong tháng 10.

Vào cuối tháng 10, VN-Index đã mất 10,9% so với tháng trước, xóa đi phần lớn mức tăng kể từ đầu năm và ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 12 tháng.

Theo Maybank Investment Bank (MSVN), các yếu tố khiến thị trường suy giảm, ngoài do lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp không như kỳ vọng, còn có các nguyên nhân như: áp lực ngoại hối gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang (Israel – Hamas), hoạt động cho vay ký quỹ không chính thức giảm…

Tuy nhiên, MSVN cho rằng, dù tăng trưởng lợi nhuận trong quý III yếu nhưng sẽ tốt hơn trong quý IV. Dựa trên cơ sở so sánh thấp trong quý IV/2022, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận của cả thị trường quý IV năm nay sẽ tăng khoảng 36% so với cùng kỳ.

Về tình hình vĩ mô, Maybank cho rằng việc tỷ giá và lạm phát được kiểm soát cho phép NHNN tiếp tục các chính sách hỗ trợ. MSVN duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,4% cho năm 2023 và 3,5% vào năm 2024. Thêm vào đó, trên thị trường ngoại hối, sự kết hợp giữa việc NHNN phát hành tín phiếu kho bạc và chuyển động trong phạm vi của chỉ số đồng USD (DXY) đã khiến việc trượt giá của VND so với USD gần đây tạm dừng.

Nhóm phân tích dự báo, NHNN sẽ bán USD để bình ổn thị trường nếu VND giảm thêm 1-2% (hoặc 5-6% tính từ đầu năm). Thậm chí, NHNN thậm chí có thể chấp nhận mức trượt giá VND hơn nữa trong năm nay (so với mức 2-3%/năm trước đây) vì việc theo đuổi các chính sách nới lỏng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phục hồi hiện là ưu tiên hàng đầu.

Dựa trên lập trường hỗ trợ chính sách nới lỏng của NHNN và lợi nhuận quý IV/2023 được dự báo tăng, MSVN kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi sau những "vết bầm tím" trong tháng 10 vừa qua.