Chuẩn bị chu đáo cho Hội thảo khoa học 'Góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 28-7, Đảng ủy Khối các trường Đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp và Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo về Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi”.

Tham dự có Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội trả lời tại họp báo

TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội trả lời tại họp báo

Theo ông Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, buổi hội thảo sẽ diễn ra vào sáng 1-8, do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội và Trường đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức. Hội thảo là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các trường đại học, đại học, học viện, trường cao đẳng trên địa bàn thành phố nhằm mục đích tham góp tiếng nói của giới khoa học với các nhiệm vụ chính trị của thành phố, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để thành phố phát triển trong bối cảnh mới, đó là luật Thủ đô sửa đổi.

Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn trao đổi tại cuộc họp báo

Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn trao đổi tại cuộc họp báo

Thông qua hội thảo này, các cơ sở đào tạo nghiên cứu, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trên địa bàn cùng với thành phố thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đối với các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và nhân dân TP.Hà Nội nói riêng về một đạo luật gắn liền với sự phát triển thịnh vượng của thành phố trong tương lai.

Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện, các đại biểu đại diện các bộ, ngành T.Ư cùng đại diện lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND TP.Hà Nội… Nội dung chính của hội thảo là các tham luận của các nhà khoa học đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn thành phố, tập trung vào 9 chính sách đề xuất xây dựng luật Thủ đô sửa đổi.

Trong đó có chính sách tổ chức chính quyền thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệp đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển thủ đô; chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; chính sách quản lý sử dụng đất đai; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội; liên kết và phát triển Vùng thủ đô…

“Chúng tôi mong muốn tham góp luận cứ về mặt khoa học của đội ngũ trí thức cũng như các nhà khoa học ở trên địa bàn thành phố với dự thảo luật Thủ đô sửa đổi để các cơ quan có thẩm quyền cũng như TP.Hà Nội xem xét, cân nhắc, nghiên cứu. Từ đó có thêm luận cứ khoa học đối với công tác xây dựng pháp luật nói chung và dự thảo luật Thủ đô nói riêng”, ông Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho biết, 9 nhóm chính sách được tập hợp trên 16 nội dung bao quát của thành phố. Các tham luận đóng góp đối với 9 nhóm chính sách này là căn cứ cung cấp cho các cơ quan chuyên môn đưa vào luật để luật thực sự sát với thực tiễn hơn.

Sau hội thảo, Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sáng rõ hơn một số vấn đề để luật Thủ đô sửa đổi vượt trội, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển mới. “9 lĩnh vực này, lĩnh vực nào cũng quan trọng, và chúng tôi đã lựa chọn các tham luận có tính khả thi cao về những vấn đề đang “nóng” của thành phố”, ông Sơn nhấn mạnh.

Định hướng về một số nội dung trong công tác tuyên truyền, tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi); về nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của Luật Thủ đô, kết qua triển khai thực hiện Luật Thủ đô trong những năm qua; về mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); về các chính sách đề xuất sửa đổi khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).