Chưa “đụng” tới viên chức ngoài công lập

(ANTĐ) - Ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào 2 dự án: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Viên chức. Hai dự luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chưa “đụng” tới viên chức ngoài công lập

(ANTĐ) - Ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào 2 dự án: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Viên chức. Hai dự luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Luật bảo vệ người tiêu dùng sẽ là hành trang pháp lý vững chắc để bảo vệ người tiêu dùng
Luật bảo vệ người tiêu dùng sẽ là  hành trang pháp lý vững chắc để bảo vệ người tiêu dùng

Một trong những điểm sửa đổi quan trọng trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được trình UBTVQH tại phiên họp lần này là “không quy định giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính”. Bên cạnh thay đổi này, dự thảo luật chỉ quy định chung về thủ tục, nguyên tắc thực hiện hòa giải các vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp và giảm tải cho Tòa án; đồng thời giao Chính phủ quy định việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hòa giải để tránh phát sinh những “trung tâm hòa giải” chỉ là những tổ chức hoạt động kiếm lợi nhuận hoặc là công cụ cạnh tranh không lành mạnh.

Trên cơ sở nhận định rằng phần lớn các tranh chấp của người tiêu dùng là đơn lẻ, có giá trị không lớn, trong khi trình tự, thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự theo quy định hiện hành còn quá phức tạp, dự thảo luật có quy định về thủ tục xét xử đơn giản. Tuy nhiên, những vụ việc lớn, có yếu tố hình sự (như làm hàng giả, hàng nhái, ăn bớt của người tiêu dùng với quy mô lớn...) không thuộc phạm vi được áp dụng thủ tục xét xử đơn giản.

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo: “Với những vụ việc nhỏ mà đợi hoàn tất theo trình tự thủ tục tố tụng hiện nay thì có khi chẳng còn dấu vết hay bằng chứng gì mà xét xử nữa, trong khi đó việc sửa đổi Luật Tố tụng Dân sự cần một khoảng thời gian rất dài. Cho nên trước mắt cần quy định thủ tục xét xử đơn giản trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến khi có quy định tố tụng mới chúng ta sẽ áp dụng thống nhất”.

Chiều 29-9, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Viên chức. Tại phiên họp, UBTVQH tán thành với quan điểm dự luật chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi vì, mặc dù cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau, nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng (viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập) là về phương diện quản lý. Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo các loại hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Liên quan tới quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, UBTVQH đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký tuyển dụng, ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện được nêu ở dự luật, còn phải đủ các điều kiện khác do Chính phủ quy định. Thứ hai, chưa đưa quy định tuyển dụng người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào dự luật này.

Chính Trung