Chưa có giải đáp thỏa đáng về bọ xít hút máu

(ANTĐ) - Các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện hàng trăm cá thể bọ xít hút máu trong nhà, sân, vườn của gia đình bà Nhàn, ở xóm 8, thôn Đống A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Chưa có giải đáp thỏa đáng về bọ xít hút máu

(ANTĐ) - Các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện hàng trăm cá thể bọ xít hút máu trong nhà, sân, vườn của gia đình bà Nhàn, ở xóm 8, thôn Đống A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Vẫn chưa có kết luận loại bọ xít hút máu ở Việt Nam truyền bệnh cho người hay không?
Vẫn chưa có kết luận loại bọ xít hút máu ở Việt Nam
truyền bệnh cho người hay không?

Phát hiện ổ bọ xít hút máu lớn nhất

Nhiều ngày trước đó, gia đình bà Nhàn liên tục bị bọ xít cắn với các biểu hiện như sưng to, đau nhức và ngứa ở khu vực bị cắn. Bà Nhàn cho biết: “Ban đầu, tôi không hề biết đây là những con bọ xít hút máu đã được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến thời gian qua và chỉ nghĩ chúng là giống bọ xít thông thường ở đâu đó bay vào trong nhà”. Bà Nhàn cho hay, chỉ đến khi có người hàng xóm qua chơi mới phát hiện đây là những con bọ xít hút máu. Ngay sau đó, gia đình bà và một số hộ xung quanh đã tổ chức tìm và phát hiện một ổ bọ xít, gồm rất nhiều con. Những hộ dân ở xóm 8 đã gọi điện báo cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Cũng theo bà Nhàn, tại các nốt bị loại bọ xít này cắn đều thấy mẩn ngứa, sưng nhức. Bà và người thân trong gia đình đã đi khám và được kê đơn thuốc về uống và bôi, sau vài ngày thì nốt sưng xẹp dần xuống.

Ngoài hộ nhà bà Nhàn thì một số hộ dân sống xung quanh đều thi thoảng phát hiện loại bọ xít này trong nhà. Ông Quỳnh, sống gần kề hộ bà Nhàn cho biết, cách đây một thời gian, đôi khi trong nhà ông lại phát hiện vài con bọ xít bay trong nhà. Ông Quỳnh cũng không hề biết đây là loại bọ xít hút máu.

Trao đổi vào chiều qua 14-9, TS. Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết: “Ổ bọ xít hút máu có đến 270 cá thể bao gồm con trưởng thành, trứng bọ xít. Điều đáng lưu ý, chiếm đến 70% các cá thể đều có máu”. Theo nhận định của TS Lam, đây là ổ dịch lớn nhất thu được kể từ khi bắt đầu điều tra thu thập mẫu tại Hà Nội đến nay. Cũng theo TS Lam, vào hồi tháng 7 vừa qua, nơi mà ông và các đồng nghiệp thu được nhiều bọ xít hút máu nhất là ở một căn nhà thuộc quận Hoàng Mai cũng chỉ đến 20 con.

Để biết đầy đủ, chờ đến năm 2011

Cũng TS. Lam cho hay: “Trong tuần này Viện Sinh thái bắt đầu phân tích 160 mẫu còn sống để tìm ra đặc điểm sinh học, sinh thái của số bọ xít trên. Tìm ra tỉ lệ ký sinh trùng đường máu trong cơ thể bọ xít. Đồng thời, cho lây nhiễm sang chuột bạch để nghiên cứu ký sinh trùng đường máu ở chuột, từ các kết quả đó mới có thể đưa ra đánh giá xem có thể lây nhiễm sang người không”. Bên cạnh đó Viện Sinh thái sẽ đưa các mẫu phân tích ADN để biết được tên loài ký sinh trùng đường máu.

Trao đổi với báo chí liên quan đến những thông tin về việc xuất hiện loại ve chó đốt gây chết người tại Trung Quốc và mới đây là việc phát hiện ổ bọ xít hút máu lớn tại Từ Liêm (Hà Nội), TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, loại bọ xít, rệp hút máu người tồn tại ở Việt Nam đã lâu, chỉ gây khó chịu tại chỗ chứ chưa xác định được khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho người. Trong khi đó, loại bọ chó chứa virus Bunia gây tử vong 31 người dân Trung Quốc thời gian gần đây là loại côn trùng rất nguy hiểm. Do đó có thể nói loại bọ xít hút máu người ở Việt Nam không liên quan và không nguy hiểm như loại bọ đốt gây chết người ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Lam cũng nhìn nhận, để trả lời được tất cả các câu hỏi mà dư luận đang quan tâm về loại bọ xít này thì phải cần khoảng thời gian khá dài, tối thiểu phải đến năm 2011 mới có thể làm sáng tỏ được. Ông Lam cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện ổ bọ xít hút máu lớn ở Từ Liêm, một nhóm các nhà khoa học đã được thành lập là thành viên của 4 Viện gồm: Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Thú y và Viện Ký sinh trùng sốt rét Quy Nhơn. Nhóm các nhà khoa học này sẽ nghiên cứu để tìm câu trả lời mà dư luận đang quan tâm nhất là loại bọ xít hút máu ở Việt Nam có làm lây nhiễm bệnh sang con người hay không? Khi bọ xít hút máu đốt trên cơ thể người sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu... Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể về loại bọ xít này.

Lý giải về ổ bọ xít hút máu lên tới gần 300 cá thể sinh sống tại một khu dân cư, ông Lam cho rằng, đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Song, theo lý thuyết, loại bọ xít này sinh sản rất khỏe, khoảng 500 trứng 1 lần đẻ, nếu có đầy đủ thức ăn để nuôi dưỡng thì 500 trứng này sẽ nở thành 500 cá thể. “Đã nhiều năm có nghiên cứu về loại bọ xít này, nhưng tôi cũng chưa thể lý giải đầy đủ, tại sao gần 300 cá thể bọ xít đó có thể tồn tại ở một khu dân cư như vậy. Điều đặc biệt hơn là chiếm đến 70% số cá thể phát hiện đều có máu”.

Song, theo TS Lam, người dân không nên quá hoang mang, bởi đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy, loại bọ xít được phát hiện ở Việt Nam có thể truyền bệnh cho người. TS Lam khuyến cáo, mọi người chú ý dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt vệ sinh ở giường ngủ, chú ý các khe giường. Để diệt tận gốc, đặc biệt là trứng, ấu trùng bọ xít nếu có ở trong các khe giường nên dùng chổi lông để quét sạch khe giường và thu gom tiêu hủy.

Ngân Tuyền - Duy Tiến