Chưa có cơ sở để xem xét tư cách ĐBQH của ông Võ Kim Cự

ANTĐ - Cuối chiều 29-7, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp. Những câu hỏi được đặt ra tại buổi họp báo chủ yếu xoay quanh sự cố xả thải môi trường do Formosa gây ra.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo

-Trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 được thông qua tại kỳ họp không có nội dung về giám sát tại Formosa mà chuyên đề này chỉ được giao cho Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát. Điều này có thỏa đáng?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: - Chương trình giám sát được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, có xin ý kiến của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan. Chúng tôi đã tiếp nhận được gần 190 ý kiến góp ý vào các nội dung giám sát. Sau nhiều khâu, cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn ra được 4 chuyên đề giám sát để trình ra xin ý kiến Quốc hội quyết định.

Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến tất cả các ĐBQH xung quanh 4 chuyên đề giám sát này, từ đó chọn ra 2 nội dung để Quốc hội giám sát tối cao theo số phiếu từ cao xuống thấp.

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng:

Riêng vấn đề môi trường biển miền Trung, Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học Công nghê và Môi trường tiến hành giám sát. Ở đây, không thể đặt vấn đề Quốc hội giao cho một Ủy ban chuyên môn của Quốc hội giám sát là xem nhẹ nội dung này.

Theo quy định pháp luật thì giám sát Quốc hội có 5 cấp độ: Quốc hội giám sát tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và giám sát của các ĐBQH. 5 cấp độ giám sát này tạo thành hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động nào cũng có địa vị pháp lý của từng cấp độ đó.

Hơn nữa trên cơ sở giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương tiếp theo nếu thấy cần thiết.

- Gần đây, dư luận rất quan tâm đến trách nhiệm của ông Võ Kim Cự về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, nhưng tại kỳ họp này ông Cự lại được phê chuẩn vào thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Việc ĐB Võ Kim Cự vừa được tham gia vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và việc trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa là 2 việc khác nhau. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, ĐBQH có quyền đăng ký vào các ủy ban của Quốc hội phù hợp với năng lực, chuyên môn của mình. Ông Cự là cử nhân tài chính ngân sách, với bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh nên tham gia Ủy ban Kinh tế là phù hợp.

Còn việc ông Cự, nguyên là Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn cấp phép 70 năm cho Formosa thì Thanh tra Chính phủ đã làm rõ là cấp phép không đúng thẩm quyền của địa phương và ông Cự đã nhận trách nhiệm. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các cơ quan vào xem xét, đồng thời, thấy việc cấp phép đó là đủ điều kiện.

- Việc ông Võ Kim Cự được phê chuẩn là thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có gây ảnh hưởng đến việc giám sát Formosa không?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Về Formosa, liên quan đến vấn đề môi trường thì Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát. Tới đây, nếu có vấn đề gì thì Quốc hội sẽ giao cho các Ủy ban có liên quan mà ở đây là Ủy ban Kinh tế giám sát. Ủy ban Kinh tế sẽ phân công nhiều thành phần nhưng chắc chắn không có ông Cự tham gia để đảm bảo khách quan.

- Có ý kiến đề nghị xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự vì đã ký 70 năm cho Formosa?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện không có cơ sở để xem xét về tư cách ĐBQH với ông Võ Kim Cự. Sau này, quá trình các cơ quan xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thì chúng ta mới có thể xem xét.