Chưa bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

(ANTĐ) - Hôm qua, 23-12, phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chưa bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

(ANTĐ) - Hôm qua, 23-12, phiên họp thứ 15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tội tham ô, hối lộ cần có khung hình phạt cao nhất - Ảnh: VNN
Tội tham ô, hối lộ cần có khung hình phạt cao nhất - Ảnh: VNN

Nhiều tội chưa nên bỏ hình phạt tử hình

Liên quan tới vấn đề hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, Thường trực ủy ban Tư pháp nhận thấy, đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội, nhân dân rất bất bình, hành vi có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nhiều người trên diện rộng. Trong một số trường hợp hành vi phạm tội trở nên đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này. Tương tự, Thường trực UB Tư pháp cho rằng, không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh tham ô, nhận hối lộ. Bởi, theo báo cáo về phòng chống tham nhũng của Chính phủ, hiện nay, tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Việc bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này trong thời điểm hiện nay có nhiều bất lợi và khó có thể có sự đồng thuận rộng rãi của công luận.

Chiều 23-12, thảo luận về dự án Luật Lý lịch tư pháp, ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm UB Pháp luật cho rằng: “Hiện tại, cơ quan công an đang quản lý tàng thư căn cước rất có hệ thống, bài bản. Bây giờ sao lại đặt ra yêu cầu chuyển cho tư pháp? Việc gì phải lập ra một nơi khác? Phải chăng cứ làm một bộ luật thì cơ quan trình phải là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đó?”.

Thảo luận về vấn đề này, một số ủy viên UBTVQH cho rằng, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với những tội danh liên quan tới an ninh quốc gia, quốc phòng. Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - an ninh của Quốc hội nói: “Nên để lại những nội dung này đến khi nghiên cứu, sửa đổi toàn diện BLHS sẽ đưa vào”. Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm UB Pháp luật bổ sung: “Tôi đề nghị nếu thật sự cần thiết thì sửa, nhưng sửa một vài điều thôi, không nhiều”.

Nhất trí với UB Tư pháp, ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH cho rằng, đối với tội tham ô, nhận hối lộ thì không nên bỏ tử hình. Ông Trần Thế Vượng nói: “Tình hình tham nhũng phức tạp, xử lý còn hạn chế. Số tội phạm tham ô bị tử hình là rất hạn hữu. Tâm lý xã hội đối với loại tội phạm này còn rất nặng nề. Với loại tham ô nghiêm trọng thì phải tử hình mới xứng đáng”.

Chưa xử lý hình sự đối với pháp nhân

Về đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số lĩnh vực như thuế, môi trường, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB các vấn đề về xã hội bức xúc, gây ô nhiễm nghiêm trọng là hành vi gây di hại rất lớn nên phải được xử lý hình sự. Tuy vậy, Thường trực UB Tư pháp và cơ quan soạn thảo cho rằng, vấn đề này liên quan đến nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam (chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự). Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận, thực tiễn và tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước.

Ông Trần Thế Vượng nói: “Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, chúng ta cũng đã có nghiên cứu song cuối cùng vẫn để đó. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng vẫn dừng ở “tiếp tục nghiên cứu”. Theo ông Trần Thế Vượng, mắc mớ khi xử lý những công ty vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường vừa qua như Vedan Việt Nam cũng do chưa có quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân. “Pháp luật hình sự hiện mới xử lý được thể nhân. Thế nên, dù Vedan có vi phạm nghiêm trọng song chưa xử lý hình sự được...”.

Cũng trong phiên thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của (BLHS), một số ủy viên UBTVQH đặt vấn đề có nên bỏ tội danh đánh bạc. Ông Trần Thế Vượng nêu quan điểm: “Có nên bỏ tội đánh bạc đi không? Có nên cho phép kinh doanh, có đăng ký, nộp thuế để quản lý không? Khi đó, chỉ xử lý những đối tượng đánh bạc trái phép..”.

Có nên áp dụng “tù tại gia”?

Liên quan tới đề xuất bổ sung quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, ý kiến một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về tính cần thiết và khả thi của quy định này.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng việc bổ sung thực chất là quy định một hình thức “chấp hành hình phạt tù tại gia” có điều kiện nhằm làm tăng thêm cơ hội cho người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, Thường trực ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là một quy định hoàn toàn mới trong pháp luật hình sự Việt Nam, dự thảo luật quy định điều kiện áp dụng chưa rõ ràng và trình tự, thủ tục thi hành chưa quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Bà Trương Thị Mai cho rằng, liên quan đến người chưa thành niên, giam lâu trong tù rõ ràng không nên, cần tạo điều kiện để các em có thể ra tù trước thời hạn.

Trong khi đó, ông Trần Thế Vượng băn khoăn, điều kiện giảm hình phạt tù cho người chưa thành niên có thể được nới lỏng hơn so với người lớn song chấp hành hình phạt tù tại gia là như thế nào? Ông Trần Thế Vượng đặt câu hỏi: “Tù tại nhà thì cơ chế thế nào? Đây là vấn đề rất phức tạp vậy khi đưa ra khái niệm mới như thế đã nghiên cứu kỹ lưỡng chưa?”.

Chính Trung