Công an Hà Nội:

Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng

ANTD.VN - CATP Hà Nội đang triển khai Kế hoạch Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2027.

Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch là tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ; đồng thời, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật khi triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng trên.

Xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong CATP; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị được giao nhiệm vụ phát huy vai trò chủ động, tăng cường các mối quan hệ phối hợp thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn Thành phố; phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, chú trọng việc lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm.

Công tác tuyên truyền cho người lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng hết sức có ý nghĩa (ảnh minh họa)

Công tác tuyên truyền cho người lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng hết sức có ý nghĩa (ảnh minh họa)

Các nội dung và giải pháp đề ra để triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi, đúng tiến độ, có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa bàn Thủ đô.

Kế hoạch của CATP cũng yêu cầu tăng cường tổ chức các hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật gắn việc thực hiện các hoạt động, chương trình có liên quan và các kế hoạch khác về phổ biến giáo dục pháp luật.

Theo đó, CATP phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan phân công, thống nhất nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện, xác định lực lượng trung tâm thực hiện Kế hoạch và các lực lượng phối hợp, cơ chế phối hợp để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tránh trùng lặp, bảo đảm các mối quan hệ phối hợp được duy trì và đi vào nề nếp.

Cùng với đó, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với theo dõi, quản lý đối tượng, hạn chế tình trạng một số đối tượng đi khỏi nơi cư trú; đồng thời giáo dục, cảm hóa, bố trí việc làm giúp đối tượng tránh mặc cảm và tự tin trong tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt công tác phòng ngừa để đạt mục tiêu về hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Nhiệm vụ quan trọng khác là tổ chức lồng ghép các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch với các chương trình, kế hoạch có liên quan mà sở, ban, ngành, đoàn thể đang thực hiện, như: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường... để tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất, tiết kiệm nguồn lực thực hiện và đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, phải đổi mới nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho các đối tượng của Kế hoạch.

Công tác tuyên truyền phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng và đăng tải các thông tin, bài viết tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến các hoạt động chung của các đơn vị CATP trên Cổng thông tin điện tử, Trang Fanpage, Trang Zalo OA của Công an thành phố Hà Nội, Ấn phẩm chuyên đề An ninh Thủ đô, Chuyên mục phát thanh và truyền hình “Vì An ninh Thủ đô” như: Hỏi đáp, tư vấn pháp luật, phóng sự, tiểu phẩm lồng ghép nội dung tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, gương người tốt, việc tốt...

Kế hoạch của CATP xác định hình thức phổ biến giáo dục pháp luật bao gồm: Tổ chức các lớp học tập trung tại hội trường và cho viết thu hoạch để hiểu sâu sắc hơn về nội dung pháp luật được truyền đạt;

Giáo dục pháp luật thông qua lồng ghép trong chương trình học văn hóa, học nghề, hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao, sinh hoạt tổ đội. Có thể tổ chức sân khấu hóa nội dung giáo dục pháp luật thông qua dàn dựng các tiểu phẩm sân khấu, kịch nói...Giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt được áp dụng với những đối tượng có nhận thức lệch lạc, quá tự ti, mặc cảm hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Cùng với đó là các hình thức khác như: Niêm yết thông tin pháp luật tại bảng tin của phân trại quản lý phạm nhân, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, panô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức cho phạm nhân thi tìm hiểu pháp luật...

CATP sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ công tác Công an của các đơn vị nghiệp vụ để tham mưu lãnh đạo CATP kịp thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn Thành phố để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cụ thể:

+ Đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù: Tập trung tuyên truyền về các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng; pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; các văn bản pháp luật liên quan đến đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

+ Đối tượng là người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá: Tập trung tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tái hòa nhập…