Chủ tịch Quốc hội: Lần đầu tiên việc phân bổ hạn mức tín dụng cho ngân hàng thương mại được đưa ra chất vấn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chất vấn về hạn mức tín dụng, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)  đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không?

Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, hiện nay nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Do đó, Đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới khả năng nới “room” tín dụng trong thời gian sắp tới.

Sau khi Đại biểu chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, đây là câu hỏi rất hay, lần đầu tiên được đưa ra chất vấn trước Quốc hội về phân bổ hạn mức tín dụng cho ngân hàng thương mại, là nội dung hầu hết tổ chức tín dụng quan tâm.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ trả lời thoả đáng các nội dung như việc này có mang tính hành chính không, tính công khai minh bạch ra sao, lộ trình bãi bỏ…

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng

Giải trình về nội dung Đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là nội dung trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm điều hành. với đặc thù của kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư dựa rất lơn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay dự nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam ở mức 124%, thuộc những nước cao nhất thế giới.

Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng của hệ thống Ngân hàng thì mỗi khi có cú sốc như Covid 19, biến động kinh tế thế giới, người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, gây nhiều hệ luỵ nên vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, NHNN đã áp dụng biện pháp này từ 2011 và đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tín dụng ổn định trở lại.

“Trước kia khi không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tới trên 53%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động nguồn tiền cho vay” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Hiện nay hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu tiến tới chuẩn quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu phát triển thị trường vốn. Khi phát triển thị trường vốn, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung và dài hạn, chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh từ hệ thống ngân hàng, Khi đó, áp lực kiểm soát với việc tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

Về cách thức thực hiện, theo Thống đốc, đầu năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra chỉ tiêu định hướng cho cả năm. Chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn vì chính sách tiền tệ cũng chỉ là ngắn hạn, nền kinh tế luôn phải chịu tác động từ nhiều yếu tố.

Khi phân bổ cho các tổ chức tín dụng đều theo nguyên tắc chung trên nền tảng phân loại tổ chức tín dụng. Tổ chức nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đối với lĩnh vực tín dụng ngân hàng phải an toàn, tránh những rủi ro. Song theo Đại biểu, cơ chế vẫn còn mang “dáng dấp” theo cách quản lý bao cấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, việc cấp hạn mức hàng năm cũng dễ dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại. Khi cần thiết, các ngân hàng lại phải đi xin để nới thêm.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi đang triển khai gói 2% của 40.000 tỷ đồng, tức là có tiền nhưng không cho vay được, các ngân hàng muốn cho vay lại cũng khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu đề ra là đang cần triển khai cấp bách cho Nghị quyết 43. Do đó, Đại biểu đề nghị Thống đốc nghiên cứu kĩ về cơ chế này để xem xét có nên thực hiện trong thời gian tới nữa hay không để bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới.