Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Các nước họ đã mở cửa, mình phải tiếp tục mở cửa”...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm khó khăn, giờ là lúc đất nước phải tiếp tục mở cửa kinh tế, thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Quốc hội

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Quốc hội

Sáng nay, 21-10, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước...

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta phải thích ứng với dịch bệnh ở thời điểm hiện tại bằng vacicne, thuốc và tuân thủ 5K. Tuyệt đối không được chủ quan, đơn giản hóa mà điều kiện tiên quyết vẫn là 5K, vẫn là vaccine và thuốc.

“Thích ứng nhưng có kiểm soát tốt, không được từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả” - Chủ tịch nước nói và dẫn chứng, các ổ dịch mới nhất như ở Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định… đang phức tạp, cần phải kiểm soát, kiên quyết rốt ráo và kịp thời.

“Chúng ta không thể đóng cửa mãi đất nước, các nước họ cũng đã mở cửa, mình phải tiếp tục mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã hội, nhưng bên cạnh đó phải đề cao cảnh giác vì COVID-19 vẫn de dọa” - Chủ tịch nước nói thêm.

Về kinh tế xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm tin vào sự hồi phục, vươn lên trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch nước, vừa qua mới mở cửa một bước, không khí làm ăn của các doanh nghiệp trên cả nước rất tốt. Bên cạnh nhiều tấm gương tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ. Đặc biệt, TPHCM có chương trình tái thiết hết sức quyết liệt.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm khó khăn và tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ “trở lại phong độ mới, đạt mục tiêu CP đã báo cáo Quốc hội. Năm 2022 chúng ta có thể phấn đấu con số 6,5% GDP”.

Về việc lùi lộ trình cải cách tiền lương, theo Chủ tịch nước, Việt Nam vừa trải qua đợt dịch bệnh quá lớn, ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu và nguồn chi, đã phải sử dụng một số quỹ trong đó có quỹ vượt thu dành cho tiền lương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, đời sống của người dân nói chung còn đang khó khăn, nhất là công nhân nông dân, những người thiếu việc làm rất lớn…

Tuy nhiên, Chủ tịch nước khẳng định không thể kéo dãi mãi việc lùi cải cách tiền lương. Trước mắt, phải có chính sách hỗ trợ, nâng lương một bước cho những người về hưu trước 1995 vì số này đang hưởng mức lương quá thấp.

Đồng thời, phải tiếp tục sản kinh doanh, dành dụm nguồn lực tốt hơn để những năm tiếp theo có kế hoạch báo cáo quốc hội để tiếp tục nâng lương để động viên đời sống, góp phần giải quyết tham nhũng.