- Sau nửa tháng bị bỏng gas, người đàn ông ở Hà Nội mắc uốn ván nguy kịch
- Mắc uốn ván sau khi cắt trĩ tại nhà, phải nhập viện cấp cứu
Điều trị bệnh nhân uốn ván nặng (Ảnh minh họa) |
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần này, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận thêm một ca mắc uốn ván, là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Qua lời kể, trước khi vào viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân đi bốc gạch bị xây xát ở chân nhưng chủ quan tự rửa vết thương, không đi tiêm phòng uốn ván. Sau đó, bệnh nhân đi làm đồng, lội dưới bùn không đi ủng. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, mệt nhiều, cứng cổ, cứng hàm, cứng gáy… nên mới đi viện điều trị và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Đây là ca uốn ván thứ 3 được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay, trong khi cùng thời gian này năm ngoái thành phố chỉ có 1 ca bệnh. Điều đáng nói, năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Như vậy, xu hướng gia tăng có vẻ đang tiếp diễn.
Các chuyên gia y tế cho biết, uốn ván là bệnh cấp tính nguy hiểm. Khi triệu chứng của bệnh xuất hiện, khả năng cứu chữa và phục hồi là rất thấp, nguy cơ tử vong rất cao. Vi khuẩn uốn ván thường xâm nhập cơ thể thông qua các vết thương hở, trầy xước hay rách da…
Do vậy, khi bị xây xước ngoài da, người dân cũng không nên chủ quan mà cần rửa, vệ sinh vết thương đúng cách để phòng tránh nhiễm khuẩn. Cùng đó, tiêm vaccine phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.