- Triển khai cao điểm tấn công tội phạm sát hợp thực tiễn địa bàn
- Quận Cầu Giấy yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục dứt điểm công trình tồn tại về phòng cháy
- Lửa cháy ngùn ngụt tại tầng 5 tòa nhà CT3 - HUD 3 Linh Đàm
![]() |
Tất cả các sự cố cháy, nổ xảy ra trong thời gian qua, đều xuất phát từ ý thức chủ quan của con người |
Không chấp hành sẽ dẫn tới nguy cơ cháy, nổ
Tất cả các sự cố cháy, nổ xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân. Khi chưa xảy ra hậu quả cháy, hầu hết người dân hay chủ cơ sở đều có chung quan niệm “nhà toàn bê tông, cháy làm sao được”, “nhà xưởng toàn máy móc sắt thép, làm sao mà cháy được”… Chính tư duy này là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy và lan ra cả khu vực lân cận.
Điển ngày 17-12, nhà xưởng sắt thép tại huyện Thạch Thất đã xảy cháy, đám cháy nhanh chóng lan trên diện rộng khiến lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều thời gian mới khống chế và dập tắt được đám cháy.
Tất nhiên, để xảy cháy lớn như vậy phải có chất cháy chứ sắt thép, bê tông không thể tự cháy được. Tính chủ quan cố hữu của người dân lâu nay đã vô hình trung làm cho số vụ cháy gia tăng. Từ những gian hàng, kho chất đống hàng hóa thì bằng mắt thường không thấy dấu hiệu cháy có thể xảy ra, nhưng bất ngờ lại có thể thiêu rụi cả số tài sản lớn trong chốc lát.
Đơn giản, trong cách sắp xếp hàng để sát đồ điện, máy móc, hoặc sử dụng những loại đèn sợi đốt khi quá thời gian sử dụng, bóng bị nổ sẽ dẫn đến cháy. Vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa xảy ra vào đầu tháng 4-2021 vẫn còn đó nỗi đau và là bài học kinh nghiệm cho các cơ sở, cửa hàng kết hợp kinh doanh và nơi ở.
Hàng hóa gồm chất liệu dễ cháy choán hết lối thoát nạn, thiết bị điện bật 24/24h để sát những chất liệu dễ cháy. Trong khi đó công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị không được thực hiện đúng cách, đã dẫn đến chập cháy, gây hậu quả khôn lường.
“Ý thức chấp hành an toàn PCCC kém, đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt trong mùa hanh khô các chất, nguyên liệu khô, gặp gió bắc thổi càng có thể dẫn đến hậu quả gây cháy lan, cháy lớn. Do đó, tránh những sự cố cháy, nổ xảy ra, người dân cần nâng cao ý thức tự kiểm tra thiết bị điện như đồ sưởi, đèn sưởi, chăn điện…”- Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội khuyến cáo.
Xử lý vi phạm để hạn chế cháy, nổ
Điều đáng lo ngại về an toàn PCCC trên địa bàn hiện nay là công trình bé tồn tại những vi phạm nhỉ, công trình lớn tồn tại vi phạm lớn. Theo thống kê của Cảnh sát PCCC - CNCH, CATP Hà Nội, thời điểm hiện tại, trên toàn thành phố có 2.878 công trình vi phạm quy định, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, trong đó 492 công trình đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; 2.386 công trình vi phạm quy định về PCCC hoạt động từ sau năm 2001 đến nay.
Đặc thù của Hà Nội có những khó khăn, tồn tại về hạ tầng, đường giao thông dẫn đến công trình nhỏ, hẹp không đảm bảo khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, cá biệt có trường hợp không có đường cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn… không đảm bảo, do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ với tính chất phức tạp, khó lường, có thể gây cháy lớn, làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
![]() |
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai xử lý, dập tắt vụ cháy trên địa bàn |
Xác định công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC là một trong những khâu quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC, Ban Giám đốc CATP Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác này.
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội: “Đối với nhóm công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC, được đưa vào sử dụng trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực, Công an TP Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 05 quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, toàn Thành phố có 2.481 cơ sở thuộc đối tượng này, trong đó: 954 cơ sở đã khảo sát, lập hồ sơ khái toán, hồ sơ thiết kế cải tạo và bố trí kinh phí để thực hiện; 454 cơ sở đã triển khai thi công; 374 cơ sở đã hoàn thành và được nghiệm thu về PCCC; 35 cơ sở có dự án, kế hoạch di dời, xây mới”.
Hiện tại, số công trình tồn tại chưa thực hiện chủ yếu là nhóm nhà chung cư, tập thể cũ, khoảng 1.500 cơ sở do đặc thù về kiến trúc, kết cấu cũ nên không thể cải tạo, khắc phục đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định hiện hành. Đối với loại hình này, CATP chỉ đạo Công an các đơn vị báo cáo đề xuất UBND cấp huyện bố trí kinh phí trang bị các phương tiện báo cháy, chữa cháy thiết yếu và đặc biệt là phát động phong trào người dân mở lối ra thoát hiểm, thoát nạn khẩn cấp tại ban công, tầng tum, tầng mái.
Đối với nhóm công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau thời điểm năm 2001, lực lượng chức năng CATP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mời các chủ đầu tư có công trình vi phạm, lãnh đạo chính quyền địa phương để họp, bàn thống nhất các biện pháp, giải pháp, cam kết tiến độ, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng công trình, từng lỗi vi phạm cần khắc phục.
Đối với các công trình khó có khả năng khắc phục do liên quan đến kết cấu, giao thông, khoảng cách giữa các công trình,...), hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng luận chứng các giải pháp, biện pháp gửi Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và Bộ Xây dựng để được xem xét, chấp thuận theo quy định.
![]() |
Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội diễn tập PCCC và tìm kiếm cứu nạn tại khu chung cư Time City |
“Công an TP Hà Nội kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, công khai danh tính chủ đầu tư và công trình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ỳ không thực hiện, chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự”- Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết.
Trong thời gian tới, căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an, CATP Hà Nội tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18/6/2021 về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố, đây là kế hoạch thực hiện trong 05 năm (từ 2021 đến 2025) với mục tiêu: không để phát sinh mới các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động; từng bước khắc phục, kéo giảm số công trình tồn tại vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC&CNCH.