Chủ động phòng, chống dịch Covid-19 trước thời điểm quan trọng của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, Đại hội XIII của Đảng sắp diễn ra. Đây là thời điểm quan trọng của đất nước, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được tăng cường.
Lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn người dân khai báo y tế phòng chống dịch Covid-19

Lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn người dân khai báo y tế phòng chống dịch Covid-19

Phía trước vẫn là “chặng đường hết sức gian nan và vất vả”

Những số liệu mới nhất của trang thống kê worldometers.info cho thấy toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 90 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó gần 2 triệu người đã tử vong. Cuối tháng trước, thế giới từng tràn đầy hy vọng khi vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, trong khi tác dụng của vaccine còn chưa xuất hiện, thì dịch bệnh đã bùng phát mạnh trở lại ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu và Mỹ.

Tại tâm dịch của thế giới là châu Âu, hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Hàng loạt các biện pháp mạnh, hà khắc như giới nghiêm, giới hạn người được phép tụ tập, nghiêm cấm tổ chức bữa tiệc đoàn viên lớn cuối năm… đã được áp dụng. Ở châu Á, mới đây, trước nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh và có thể vượt tầm kiểm soát, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận trong thời gian 1 tháng, từ ngày 8-1 đến ngày 7-2-2021, dù biết rõ việc này sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế.

Điều đáng ngại là biến thể của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm mạnh hơn được phát hiện ở Anh và Nam Phi nay đã lan sang nhiều nước. Theo thống kê mới nhất, biến thể mới của virus đã xuất hiện ở 38 quốc gia, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Dù các chuyên gia y tế cho rằng, biến thể virus không làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng hiện có tới 70 quốc gia đã đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn lây lan.

Nhìn về tương lai, các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là “chặng đường hết sức gian nan và vất vả” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, trước khi các loại vaccine có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình. Phát biểu tại một sự kiện của WHO được truyền phát trực tiếp, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO nhận định, số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Bà nói: “Chúng ta đang chứng kiến điều này và sẽ tiếp tục chứng kiến trong vài tuần tới. Tại một số nước, thậm chí chúng ta phải chứng kiến những tình hình xấu đi trước khi có thể sáng sủa hơn”.

Với Việt Nam, chúng ta về cơ bản kiểm soát tốt được dịch Covid-19. Điều đáng mừng là đã hơn một tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Số ca nhiễm Covid-19 mới đều là những người nước ngoài và bà con kiều bào nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân 1.440 vượt biên trái phép vào Việt Nam cho thấy đây là vấn đề phức tạp, không thể coi nhẹ. Trong khi đó, Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu đi lại, giao lưu, gặp gỡ, du lịch tăng mạnh, nguyện vọng của đồng bào ta từ nước ngoài trở về nước đón Tết rất lớn, sự kiện chính trị quan trọng của năm 2021 là Đại hội lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra.

Tiếp tục phương châm “giữ chặt từ bên ngoài, tăng cường giải pháp ở bên trong”

Trong bối cảnh đó, “Chống dịch như chống giặc” vẫn là khẩu hiệu hành động hiện nay. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời điểm hết sức quan trọng của đất nước, cần thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, mà mới nhất là Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 5-1-2021 vừa qua.

Trước sự xuất hiện của biến thể mới virus SARS-CoV-2, dù nguy hiểm cần phải theo dõi chặt chẽ, nhưng về cơ bản Việt Nam không thay đổi chiến thuật phòng, chống dịch theo phương châm “giữ thật chặt từ bên ngoài, tăng cường các giải pháp ở bên trong”. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh hiện hữu từ bên ngoài, lực lượng Bộ đội Biên phòng phải là “tấm lá thép” vừa bảo vệ an ninh biên giới, vừa góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào vùng nội địa. Từ tuyến đường tuần tra biên giới đến các khe suối, rừng rậm, đường mòn, lối mở… đều phải được siết chặt quản lý.

Trong khi trên tuyến biên giới, những người lính mang “quân hàm xanh” là “lá chắn thép” ngăn chặn dịch, thì trong nội địa, nhân dân vùng biên giới chính là “tai, mắt” của lực lượng biên phòng để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lạ mặt, xâm nhập qua đường biên giới. Muốn thế, cần phát huy “thế trận lòng dân” trên mặt trận “chống giặc Covid-19”, chú trọng tuyên truyền, vận động, để mỗi người dân là một “cột mốc sống”, là “tai, mắt” của bộ đội biên phòng. Nếu thực hiện tốt chủ trương trên, người dân sẽ kịp thời phát hiện đối tượng vượt biên xâm nhập vào nội địa và cung cấp thông tin cho Bộ đội Biên phòng để có hướng xử lý, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh lực lượng biên phòng, an ninh, chính quyền cơ sở dưới sự tham mưu của lực lượng công an và y tế phải nắm bắt thông tin, vận động gia đình có người thân đang ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam không được nhập cảnh bất hợp pháp, nhất là ở những địa bàn có đường bộ với Việt Nam. Nếu có nhu cầu về nước theo chủ trương của Nhà nước, mọi người nên nhập cảnh hợp pháp và thực hiện nghiêm quy định cách ly.

Còn với mỗi người dân, việc cần làm là thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, gồm: khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc ứng xử văn minh, trách nhiệm, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh còn khó khăn của đất nước, địa phương... sẽ là những tiêu chí quan trọng thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người. Mỗi cá nhân với việc làm phù hợp khả năng điều kiện của mình hãy chung tay cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ việc đơn giản nhất ai cũng có thể làm là tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đến hợp tác, chung tay hỗ trợ với chính quyền và các lực lượng chức năng, tham gia các hoạt động thiện nguyện…

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân là cơ sở để chúng ta có thể kiểm soát được dịch Covid-19, tạo điều kiện hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề ra. Trước mắt là để góp phần vào thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và có một cái Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn.