Trước đó, Cơ quan thi hành án hình sự CAH Đông Anh đã thông qua dự thảo nội dung kế hoạch hướng dẫn về xóa án tích cho người bị kết án trên địa bàn. Trong đó CAH đã đề xuất Sở Tư pháp Hà Nội giao cho Cơ quan thi hành án hình sự hướng dẫn đối tượng tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn làm thủ tục để trình Sở này. Có thể nói đây là lần đầu tiên CAH Đông Anh triển khai nội dung này.

Ban Công an xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục xóa án tích
Trong tổng số 148 người được nhận giấy chứng nhận xóa án tích của xã Vân Hà có những người khá nổi tiếng. Không hề mặc cảm bởi câu chuyện cũ, ông Nguyễn Văn Q ở xã Vân Hà kể lại câu chuyện của mình: Tôi được bầu làm Trưởng thôn từ năm 2005. Ngày ấy, làng tôi kinh doanh sôi nổi lắm. Nhà nào nhà ấy buôn bán tấp nập, kinh tế đi lên trông thấy, nhà xây san sát, ô tô ra vào ầm ĩ suốt ngày.
Thế nhưng, dân thì giàu mà đường đi lối lại các xóm lúc nào cũng lầy lội, bẩn thỉu. Nghĩ mình làm Trưởng thôn thì phải hô hào bà con chung tay xây dựng nếp sống mới, ông Q bèn đi vận động mọi nhà góp tiền làm đường, làm kênh mương nội đồng, xây cống thoát nước thải cho khỏi ô nhiễm. Ai dè, ông hô một tiếng, mọi người hưởng ứng rầm rầm. Rồi các doanh nghiệp, công ty trong làng cũng bảo nhau đóng góp. Khoản tiền nhờ tự đi vận động ấy nhiều đến mức chính ông Q cũng bất ngờ. “Tổng kết ra, tôi thu quanh làng mà cũng được trên 3 tỷ đồng cơ đấy” - ông Q nói.

Nhiều người từng phạm tội rất muốn được xóa án tích để có cơ hội làm lại cuộc đời
Thế nhưng, sự đời lại không đơn giản. Thấy ông cầm nhiều tiền, có người nghi ngờ đâm đơn tố cáo ông “lạm dụng tín nhiệm...”. Ngặt nỗi, ngày đó lại chưa có chủ trương cho cán bộ thôn tự ý đi vận động, quyên góp tiền của dân để xây dựng nông thôn mới như hiện nay. Cũng may khi ra tòa, người ta xét thấy ông chẳng tơ hào đồng nào trong số tiền đó của bà con nên rút cuộc, ông Q chỉ bị lĩnh án 15 tháng tù (án treo).
Mãn án, ông Q quyết chí làm giàu. Bám lấy nghề thủ công mỹ nghệ, nhờ chịu khó, cuối cùng ông cũng ăn ra làm nên. Giờ đây công ty ông đã mở rộng quy mô sản xuất, lại nhận người khuyết tật, con em đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn… để tạo công ăn việc làm. Ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội…
Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết - Phó Trưởng CAH Đông Anh cho biết: “Huyện Đông Anh là đơn vị đầu tiên của Hà Nội đề xuất thực hiện xóa án tích cho những đối tượng thuộc diện này. Trên thực tế, có nhiều người rất muốn được xóa án tích để có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng họ lại không biết các thủ tục, trình tự phải thực hiện ra sao.
Thậm chí có những người coi việc lĩnh án là một câu chuyện quá khứ đau buồn nên họ không bao giờ muốn nhắc đến. Hay cũng có những người khi mãn hạn tù lại mất hết giấy tờ chứng nhận đã thi hành án xong nên cũng bỏ qua quyền lợi của mình. Tới đây CAH Đông Anh sẽ tổ chức hướng dẫn cho 3.206 đối tượng thực hiện thủ tục xóa án tích, cấp GCN xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù tại 24 xã, thị trấn trên toàn huyện.
Trước đó, ngày 10-9, CAH Đông Anh đã có văn bản gửi CATP Hà Nội xin chủ trương thực hiện việc hướng dẫn xóa án tích cho người bị kết án trên địa bàn. Kế hoạch thực hiện cũng đang được triển khai tới các thôn, xã trong toàn huyện".