Bán nhà qua sàn giao dịch:

Chủ đầu tư không kiểm soát nổi

(ANTĐ) - Từ vụ việc tự ý “thổi” giá đất, bán nhà ăn chênh lệch hàng chục tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư và quản lý bất động sản UDIC (UDIC Land), người ta có thể thấy rất nhiều kẽ hở trong quản lý hoạt động của các sàn giao dịch. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng không thể chối bỏ trách nhiệm khi để cho các sàn giao dịch thao túng.

Ngoài tầm kiểm soát

Vài năm trở lại đây, cùng với sự hồi phục của thị trường, mạng lưới các sàn giao dịch BĐS nở rộ. Tuy thế, các sàn giao dịch BĐS mới chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, còn chất lượng rất yếu. Một số sàn còn có những vi phạm pháp luật khiến hoạt động giao dịch thêm tù mù, rối rắm. Kiểm tra mới đây của Bộ Xây dựng tại 61 sàn giao dịch tại Hà Nội đã phát hiện 25 đơn vị có vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 40%, với đủ loại vi phạm, từ bán nhà chưa đủ điều kiện giao dịch tới việc không công bố thông tin về sàn trên các phương tiện thông tin đại chúng; bán BĐS khi chưa có giấy phép xây dựng; huy động vốn vượt quá 70%...

Cơ quan công an làm việc với đại diện UDIC Land

Theo các quy định tại Điều 60, Nghị định 71/CP, các sàn giao dịch BĐS không được tham gia đầu tư, mua bán, cho thuê nhà ở mà chỉ được làm trung gian để thực hiện bán, cho thuê nhà ở theo ủy quyền của chủ đầu tư và hưởng phí giao dịch qua sàn theo quy định. Thế nhưng, không ít sàn giao dịch vì tham lợi đã tự kinh doanh, trực tiếp bán nhà cho khách hàng để thu tiền chênh lệch. Vụ việc bán nhà thuộc lô K, khu nhà bán Yên Hòa, thu chênh lệch hàng chục tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư và quản lý BĐS UDIC vừa được cơ quan công an phát hiện là một ví dụ.

Tại báo cáo về sự việc gửi UBND TP Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) - chủ đầu tư dự án khu nhà bán Yên Hòa - đã thừa nhận “đây là bài học lớn về quản lý” và “UDIC sẽ nghiêm túc xem xét rút kinh nghiệm”. UDIC cũng cho rằng, do phải giao việc giao dịch với khách hàng cho một doanh nghiệp có pháp nhân khác nên Tổng công ty đã không kiểm soát được chất lượng cán bộ và quá trình giao dịch mua bán. UDIC nêu rõ: “Từ trước tới nay, UDIC đã bán rất nhiều nhà ở thấp tầng và căn hộ chung cư theo phương thức Tổng công ty trực tiếp giao dịch với khách hàng và đã không có sai trái gì. Song khi gặp phải những cán bộ thiếu trách nhiệm ở sàn giao dịch, đã “thổi” giá lên để hưởng chênh lệch, làm chậm tiến độ thu hồi vốn của Tổng công ty và gây thiệt hại cho khách hàng...”.

Giá bán đã sát thị trường?

Trước khi ký hợp đồng giao dịch qua sàn với UDIC Land, Tổng công ty UDIC đã phê duyệt quy chế bán nhà và thống nhất quy trình giao dịch theo đúng các quy định pháp luật về kinh doanh BĐS. Cụ thể, danh sách khách hàng phải được Tổng giám đốc UDIC phê duyệt. Đặc biệt, UDIC khẳng định, không có chủ trương thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng của khách hàng. Mới nghe có vẻ chặt chẽ và minh bạch, song kết quả là sàn giao dịch BĐS UDIC Land vẫn bán ra thành công 7/12 căn nhà, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng. Vì thế, có thể nói, quy trình ký kết giữa hai bên thực ra có những kẽ hở rất lớn, đủ để UDIC Land dễ dàng lách qua.

Dù UDIC đã nhận khuyết điểm nhưng câu hỏi dư luận hiện đặt ra là vì sao giá bán

(giá gốc - PV) do UDIC ấn định tại lô K, khu nhà bán Yên Hòa, lại chỉ từ 110-135 triệu đồng/m2, cách khá xa so với giá thị trường. Đây là kẽ hở lớn nhất để những cán bộ tại UDIC Land lợi dụng, bán sản phẩm ra thị trường với mức chênh lệch 51 triệu đồng/m2, với tổng số tiền kiếm lời bất chính gần 4,4 tỷ đồng cho một căn nhà. Theo thông tin từ UDIC, thời gian phê duyệt giá bán các căn hộ liền kề trên cũng không phải từ những năm trước mà giá mới được Tổng công ty duyệt từ tháng 2-2011.

Giải trình với lãnh đạo TP, Tổng giám đốc UDIC cho biết: “Giá bán (110-135 triệu đồng/m2 - PV) đã được Hội đồng bán nhà Tổng công ty phân tích trên cơ sở tham khảo giá thị trường và theo nguyên tắc thu hồi vốn nhanh để phục vụ sản xuất kinh doanh”. Báo cáo của UDIC không nói rõ, trong 2 yếu tố “thị trường” và “thu hồi vốn nhanh”, UDIC ưu tiên mục tiêu nào hơn. Tuy vậy, với khoảng thời gian có hơn 3 tháng, lại trong bối cảnh thị trường bất động sản đang tụt dốc mà giá giao dịch thực tế của căn nhà vẫn từ 135 triệu đồng vọt lên tới 186 triệu đồng/m2, người ta có thể hiểu UDIC dường như muốn nhanh thu hồi vốn hơn là chọn giá thị trường.

Chiến lược và quyết định kinh doanh là chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp nhưng nếu giá bán phê duyệt có độ chênh lệch lớn so với thị trường, vô hình trung, lại tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Trong vụ việc này, đội ngũ “cò” đã lợi dụng kẽ hở này để múa gậy trong bị, tự ý “thổi” giá bừa bãi, gây thiệt hại lớn cho cả Nhà nước và khách hàng.

Căn nhà giá 186 triệu đồng/m2 từng bị ế?

Thông tin từ UDIC cho biết, 12 căn nhà thuộc lô K, khu nhà bán Yên Hòa, phường Yên Hòa, Cầu Giấy nói trên được xây dựng từ năm 2005. Năm 2008, UDIC đã duyệt phương án bán với giá từ 57-67 triệu đồng/m2 nhưng do khi đó thị trường trầm lắng nên không thực hiện được.



Vụ mua bán trao tay nhà giá rẻ:
Bà Cao Thị Loan vẫn đang ở căn hộ 1702!
(ANTĐ) - Chiều 14-6, ông Nguyễn Văn Đa, Giám đốc Chi nhánh Hà Đông của Công ty Vinaconex Xuân Mai - chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), xác nhận với phóng viên Báo An ninh Thủ đô rằng, “căn hộ số 1702 dự án CT1 vẫn đang có người ở”. Ngạc nhiên hơn, theo ông Nguyễn Văn Đa, người đang cư trú tại căn hộ này, không phải ai khác, lại là bà Cao Thị Loan và người cháu gái. Trong khi, trước đó, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện bà Cao Thị Loan có hành vi mua bán trao tay trái quy định căn hộ số 1702 với giá 1,1 tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lở, UBND TP đã chỉ đạo Vinaconex Xuân Mai mời chủ căn hộ số 1702-CT1 cùng CATP, Sở Xây dựng niêm phong căn hộ; đình chỉ mọi công việc sửa chữa, chờ kết luận của công an sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có công văn gửi chủ đầu tư yêu cầu phối hợp với chính quyền quận Hà Đông tổ chức thu hồi căn hộ số 1702. Chiều 14-6, trả lời câu hỏi vì sao chưa niêm phong căn hộ 1702, ông Nguyễn Văn Đa cho biết, vẫn còn đang chờ chỉ đạo của thành phố!                          
Ngọc Khánh