“Chú công an nhà tôi”

ANTĐ - Các anh vẫn gọi công việc của mình là: những cán bộ 4 cùng, những chiến sĩ cắm bản. Còn những người dân tộc Mông thì gọi các anh bằng cái tên thân thuộc: “Chú công an nhà tôi”. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng học tiếng Mông, cùng đào giếng sửa nhà với bà con. vì thế những chiến sĩ công an Bắc Cạn luôn được bà con dân tộc ở xã Phúc Lộc, Ba Bể coi như con cháu trong nhà.

Một hình ảnh đẹp của Công an tỉnh Bắc Kạn

Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về công việc, cũng như cuộc sống của những cán bộ Công an Bắc Kạn đang thực hiện “4 cùng” với nhân dân ở cơ sở; đồng chí Ma Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị Công an  tỉnh nói rằng: “Hiện chúng tôi đang tổ chức cho các cán bộ tham gia học tiếng dân tộc Mông đi thực địa ở huyện vùng cao Ba Bể, các anh lên được trên ấy cùng anh em thì tốt quá”.

Tháng 12, thời tiết vùng cao thật đỏng đảnh, sáng sương mù giăng trắng, rét thấm vào da thịt, trưa thì nắng nóng đến hanh hao. Có mặt tại xã Phúc Lộc, Ba Bể khi chiều đã muộn, nhận chén rượu từ tay của Phó trưởng CA xã Mùng Đức Hà, anh nói với tôi rằng đến với người dân vùng cao, nhất lại là các anh CA thì phải biết chút men vì người dân tộc càng quý người, họ càng mời rượu. Tôi ngẫm thấy ý này chí phải, như Thượng úy Phan Quang Diệu - Cán bộ làm công tác tuyên truyền công an tỉnh, xưa ngửi phải hơi rượu là đất trời nghiêng ngả, thế mà giờ cũng uống được đủ để tiếp chuyện với trưởng bản hàng buổi. Phúc Lộc chưa phải là xã xa nhất của Ba Bể, nhưng nếu nói về khó khăn thì đủ bề. Xã có 19 thôn, bản với 621 hộ dân, nhưng có đến gần 50% là hộ nghèo; người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, một số ít phát triển được nghề rừng nhưng vẫn rất khó khăn. Chưa hỏi được gì nhiều về các cán bộ Công an người Mông, đến thôn Khuổi Trả đã thấy nhiều cụ ông, cụ bà địu gùi trên lưng chào hỏi bằng ngôn ngữ bản địa.

Đồng chí Hoàng Văn Giang - Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc chia sẻ: Các cụ ở bản đều biết các anh CA cả, mấy năm xuống bản, nhiều cụ không nhớ tên nhưng lần nào gặp cũng thân mật hỏi thăm “chú Công an nhà tôi”. Đại úy Luân Như Tuyến, cán bộ Phòng Bảo vệ Chính trị CA Bắc Kạn là người đang học tiếng dân tộc Mông và vào tăng cường tại  Khuổi Pất, xã Phúc Lộc tâm sự: “Ở các xã, nếu không có Công an phụ trách xã là rất khó khăn, xã nào cũng đề nghị huyện tăng cường cho Công an cắm bản, nhưng có những thời điểm như hiện tại vẫn chưa đủ quân số. Phụ trách xã thì tiêu chí nhất định phải là cán bộ, đảng viên để còn tham gia, đảm nhận các phần việc khác ở cơ sở. Nếu mình xuống đấy mà không tham mưu được cho chính quyền thì cũng bằng không… Thời kỳ đầu vào xã không biết tiếng nên phải nhờ Công an xã làm phiên dịch. Do đặc điểm trình độ dân trí còn thấp nên đội ngũ Công an các xã cũng còn hạn chế nhiều mặt. Tất tần tật công việc dồn hết lên đôi vai cán bộ Công an cắm bản. Tất cả những cái xảy ra nhỏ nhất từ mâu thuẫn tranh chấp, vợ chồng, người ta đều gọi mình cả”.

Được nói đến như những từ chỉ sự xa xôi, hẻo lánh, nhất là trong tư duy người miền xuôi. Nhưng với anh em Công an, lên với mảnh đất này vừa là nghĩa vụ, vừa là tình cảm với đồng bào các dân tộc thiểu số. Và cứ thế 19 thôn bản ở xã Phúc Lộc, các anh  thuộc tận tường từng ngõ bản. Trên đoạn đường uốn qua nương ngô lên bản Mông, đồng chí Phó CA xã nói rằng “Người Mông có thói quen nghe và chỉ làm theo khi chứng kiến việc làm của cán bộ, còn nếu tuyên truyền suông rất khó thuyết phục”. Và cũng chính từ đúc kết này, các cán bộ CA Bắc Kạn cắm bản để cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Khi đến địa bàn nhận thấy khó khăn nhất đối với bà con là không có nước sạch sinh hoạt và công trình vệ sinh. Ở cùng với bà con khi được người dân chia sẻ, các anh lại lẳng lặng bàn nhau góp kinh phí từ đồng lương ít ỏi của mình  để mua ống dẫn nước, xây dựng khu vệ sinh, sửa nhà cho bà con. Bà Ngô Thị Ngài - người dân tộc Mông ở thôn Khuổi Trả xúc động nói rằng: “Nếu không có“chúng nó” (những cán bộ CA cắm bản) xuống đây giúp tạo dựng lại cái nhà thì khổ lắm”.

Không chỉ góp phần làm ổn định ANTT ở cơ sở, trong thời gian bám địa bàn, các cán bộ tăng cường còn tập trung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết giáo dục các thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật. Nhiều tụ điểm phức tạp về hoạt động tuyên truyền tà đạo trái phép trong vùng đồng bào đã được lực lượng CA phối hợp với ban CA xã lên kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn. Đặc biệt, qua phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ ở địa bàn, các mô hình tự quản về ANTT như các tổ an ninh thôn bản, tổ hòa giải, tổ thanh niên an ninh … dần được củng cố và hoạt động có hiệu quả trong giải quyết vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở.

Gọi những cán bộ Công an cắm bản là “đại sứ ở cơ sở“ bởi không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, mà anh em còn tham gia hầu hết các mặt công tác của địa phương. Đồng thời là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách về với bà con dân bản. Nhiều năm thực hiện “ba, bốn cùng” với người dân ở những địa bàn đi cả ngày đường chưa tới, điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại rất khó khăn nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai thở than vất vả. Hỏi chuyện chuẩn bị đón Tết cho CBCS đang cắm bản, Thượng tá Dương Văn Tính - Phó Giám đốc CA tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Theo yêu cầu thì phải trực 70% quân số Công an phụ trách xã, chứ không được nghỉ Tết. Vào các thời điểm Tết, Công an huyện thành lập các cụm, CBCS ăn ở, sinh hoạt cùng nhau để hỗ trợ công việc luôn. Tết xong, các đội nghiệp vụ tăng cường và các anh được nghỉ bù thì mới được về”.

Cuối năm, trời se lạnh, sự gấp gáp dường như đã len vào các đơn vị của Công an tỉnh. Ở CA tỉnh Bắc Kạn vào thời điểm này nhiều cán bộ, chiến sỹ đang bước vào đợt tăng cường cơ sở mới, hướng về vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa. Đa số những ai ở gần đều tranh thủ tạt qua nhà chút ít, bởi từ giờ phút này, họ sẽ xa gia đình tới vài tháng, “cắm bản” ăn Tết cùng nhân dân. Và họ đang gác lại những riêng tư để mang lại sự bình yên trên các bản làng, cho một mùa hoa lại nở thắm núi rừng. Chúng tôi hiểu và chia sẻ với các anh, những người biết hi sinh những riêng tư, lặng lẽ viết tên mình lên núi để sự bình yên về với mỗi người dân nơi đây. Mùa xuân này, với những gia đình người Mông ở Phúc Lộc hẳn không thể nào quên những kỷ niệm với cán bộ Công an “cắm bản, cắm xã”.