Chống tham nhũng - cuộc chiến không hồi kết ở Trung Quốc

ANTD.VN - Cuộc chiến chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sau khi lên cầm quyền không chỉ là cuộc chiến lớn mà còn là cuộc chiến không có hồi kết trong lòng quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một quan chức bị dẫn độ từ Singapore về Trung Quốc

Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9-1 công bố một báo cáo cho biết, gần 93% người dân nước này cảm thấy hài lòng đối với thành quả trong công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng của nước này, tăng 17,9% so với năm 2012. Nhà “lãnh đạo hạt nhân” Tập Cận Bình hiện nay được bầu làm Tổng Bí thư tháng 11-2012 và nhậm chức Chủ tịch nước tháng 3-2013.

Theo NBS, báo cáo thăm dò ý dân thực hiện đối với 25.200 hộ gia đình tại 21 tỉnh, khu vực và thành phố trên toàn Trung Quốc từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11-2016. So với các năm trước, các chỉ tiêu về mức độ hài lòng, niềm tin, sự coi trọng, ngăn chặn của quần chúng trong năm 2016 đều có phần tăng, trong đó có 93,1% bày tỏ niềm tin đối với hiện tượng ngăn chặn tham nhũng, tăng 13,8% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, 93% người được hỏi ý kiến còn cho rằng lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc tại các khu vực, bộ, ngành và đơn vị sở tại đã coi trọng xây dựng tác phong liêm chính của Đảng và đấu tranh chống tham nhũng, tăng 12,8% so với năm 2012. Trong khi đó, 90,9% cho rằng trình trạng xảy ra dồn dập các vụ án vi phạm kỷ luật của các cán độ đảng viên hiện nay đã được ngăn chặn, tăng 5,5% so với năm 2012.

Có thể nói báo cáo trên không chỉ là thước đo mức độ hài lòng của người dân mà còn phản ánh hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng tại quốc gia đông dân nhất thế giới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động và lãnh đạo từ khi lên cầm quyền cuối năm 2012 tới nay. Cuộc chiến này đã làm chấn động Trung Quốc khi tiến hành điều tra, bắt giữ và xét xử ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - một chức danh vốn được xem là được “miễn trừ” ở Trung Quốc trước đó.

Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” rồi “săn cáo” (bắt giữ các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài) mà ông Tập Cận Bình khởi xướng sau đó đã phá vỡ mọi “vùng cấm” khi xử lý mọi quan chức “dính chàm” cho dù ở bất cứ cấp hay lĩnh vực nào. Một số lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như quân đội, công an… đều bị đưa vào “tầm ngắm” của chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong báo cáo công bố trước thềm Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối tháng 10-2016 cho biết, 1,01 triệu quan chức nước này đã bị điều tra tham nhũng trong giai đoạn 2013-2016. Những người này bị điều tra về các tội danh hối lộ, lạm quyền, biển thủ… Trong khi đó, tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) ước tính, chỉ trong vòng 3 năm 2014-2016 đã có gần 36.000 người đã bị khai trừ đảng và bị truy tố trong số 7,4 triệu đảng viên ở Trung Quốc.

Cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” được người dân ghi nhận ở Trung Quốc sẽ không hạ nhiệt khi Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn mới đây khẳng định: “Đây mới là bước khởi đầu và cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng nhà nước trong sạch vẫn tiếp diễn”.