Chống hàng giả, hàng nhái: “Mắc” ngay từ khâu giám định

(ANTĐ) - Hàng nhái, hàng giả, có lẽ đó là cụm từ làm đau đầu nhiều doanh nghiệp sản xuất nhất, bởi nó không chỉ gây hậu quả lớn về hiệu quả kinh doanh mà còn tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Kinh tế, xã hội càng phát triển thì nạn hàng nhái, hàng giả càng tinh vi, đôi khi tồn tại ngang nhiên khiến người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng khó phát hiện.

Chống hàng giả, hàng nhái: “Mắc” ngay từ khâu giám định

(ANTĐ) - Hàng nhái, hàng giả, có lẽ đó là cụm từ làm đau đầu nhiều doanh nghiệp sản xuất nhất, bởi nó không chỉ gây hậu quả lớn về hiệu quả kinh doanh mà còn tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Kinh tế, xã hội càng phát triển thì nạn hàng nhái, hàng giả càng tinh vi, đôi khi tồn tại ngang nhiên khiến người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng khó phát hiện.

Lý giải về nguyên nhân tồn tại hàng giả, hàng nhái nhiều năm nay, đã có rất nhiều ý kiến, trong đó hầu hết đều quy về nguyên nhân quan trọng nhất là chế tài xử lý hành chính và xử phạt hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi cũng còn gặp nhiều khó khăn làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng nhái như: các văn bản chỉ đạo còn chưa thống nhất, chồng chéo gây khó khăn cho lực lượng này. Đặc biệt, khâu giám định, tưởng như chỉ là một thủ tục song lại làm “tắc” không ít vụ xử lý hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng QLTT tiêu hủy hàng giả
Lực lượng QLTT tiêu hủy hàng giả

Một cán bộ quản lý thị trường thuộc Chi cục QLTT Hà Nội bức xúc cho hay, nhiều mặt hàng giả, hàng nhái trên thị trường, việc phát hiện không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả vì không có bất kỳ loại tem, nhãn theo quy định nào. Hay có những loại giả, nhái nhãn hiệu bằng cách làm bao bì gần giống hệt với bao bì hàng chính hãng, chỉ khác một vài chi tiết khiến người tiêu dùng khó phân biệt…

Tuy nhiên, để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào. Theo quy định của pháp luật, việc xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Và cũng theo quy định thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào chịu nộp.

Một cái khó nữa là muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng QLTT phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Khi phát hiện hàng nghi nhái, giả, QLTT lập biên bản tạm giữ hàng hóa nhưng lại không liên hệ được với doanh nghiệp sản xuất, do họ không có đại diện ở Việt Nam, hoặc không có địa chỉ liên hệ cụ thể. Mặt khác, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.

Hiện nay, việc giám định hàng nhái, hàng giả về chất lượng đã có sự tham gia của khá nhiều tổ chức. Tuy nhiên trình độ chuyên môn, máy móc, kỹ thuật còn nhiều hạn chế đôi khi gây ảnh hưởng đến thời hiệu xử lý vụ việc. Hay nhiều khi QLTT yêu cầu cơ quan giám định xem hàng hóa đó có đủ điều kiện lưu hành không nhưng lại nhận được câu trả lời rất chung chung là hàng hóa đó đạt bao nhiêu phần trăm so với tiêu chuẩn khiến QLTT không biết xử lý như thế nào, cho lưu hành hay không.

Còn một loại vi phạm nữa đang có diễn biến ngày càng phức tạp, đó là hàng giả, nhái nhãn hiệu. Vi phạm lớn nhất có thể kể đến bản quyền CNTT, vi phạm kiểu dáng, mẫu mã (xe máy)... Trong khi đó, việc giám định loại vi phạm này vẫn đang thiếu đủ thứ. Trước đây, việc giám định SHTT thuộc Cục SHTT, nhưng từ năm 2006, tổ chức này đã không còn thực hiện nhiệm vụ này.

Một khoảng thời gian trống khá dài các đơn vị chức năng không biết giám định SHTT ở đâu, và mãi đến tháng 7-2009, mới có 1 tổ chức đủ thẩm quyền giám định SHTT là Viện Khoa học SHTT Việt Nam,  tuy nhiên mọi việc mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Đơn vị này lại không được phép giám định các vụ việc liên quan đến tên thương mại, bí mật kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh.

Lực lượng người làm công tác giám định thì rất thiếu, hiện cả nước mới có 4 người được cấp thẻ giám định viên SHTT, chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Thời gian để bổ sung đội ngũ này hẳn sẽ không ít vì chúng ta vẫn chưa có trường nào đào tạo chính quy về chuyên ngành giám định SHTT.             

Hà Nguyễn

Năng lực giám định còn hạn chế

Khó khăn trong xử lý vi phạm SHTT hiện có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, năng lực của cơ quan thực thi còn hạn chế, thiếu cán bộ làm giám định vi phạm SHTT. Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi như tòa án, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra khoa học, hải quan... còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất. Thứ 3 là hiểu biết của doanh nghiệp và người tiêu dùng về SHTT chưa cao.

Từ năm 2006 trở về trước, khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp, các cơ quan chức năng thường phải gửi công văn hỏi ý kiến Cục Sở hữu trí tuệ và căn cứ vào trả lời của Cục, QLTT, công an, hải quan... mới ra quyết định giải quyết tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đặt Cục Sở hữu trí tuệ vào tình thế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa cấp đăng ký bảo hộ cũng vừa giám định.

Tháng 10-2006, theo quy định mới, công tác giám định sở hữu công nghiệp không còn do Cục thực hiện và khuyến khích các cơ quan thi hành cấp cơ sở giám định. Nhưng do các cơ quan này không đủ nghiệp vụ, năng lực giám định nên vẫn có công văn đề nghị Cục cung cấp ý kiến chuyên môn. Ngày 15-7 vừa qua, Viện Khoa học SHTT bắt đầu tiếp nhận và giải quyết các đơn yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp. Đây là tổ chức đầu tiên có đủ điều kiện giám định về sở hữu công nghiệp ở nước ta, trong thời gian tới sẽ hình thành các tổ chức giám định khác.

Ông Trần Việt Hùng
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Cần có cơ chế rõ ràng

Có thể khẳng định khâu yếu kém nhất trong quá trình chống hàng giả, hàng kém chất lượng là khâu giám định. Muốn khẳng định được hàng giả hay không phải tiến hành giám định nhưng rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện, đưa đi giám định chất lượng thì không thể giám định được.

Ví dụ, hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam thì không thể kiểm định, vì chưa có các quy định cụ thể; hay hàng hóa không có cơ quan đại diện tại Việt Nam thì không có ai xác nhận hàng giả... Đã không kiểm định được thì không thể quy đó là hàng giả. Nhiều năm qua, không ít vụ xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị “tắc” cũng ở khâu giám định. Nhiều vụ bắt hàng vi phạm, không biết phải đưa tang vật đi giám định ở chỗ nào và kinh phí giám định lấy ở đâu?

Vì vậy cần phải có cơ chế rõ ràng để các vụ, việc không bị “treo”. Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần hỗ trợ các cơ quan kiểm tra, kiểm soát trong việc giám định hàng giả. Không ít doanh nghiệp vẫn thiếu ý thức chống hàng giả, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi liên hệ mà không nhận được sự hợp tác.

Ông Lê Thế Bảo
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Luật còn nhiều kẽ hở, áp dụng còn máy móc

Theo quy định của pháp luật thì tất cả các mặt hàng bị nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đều phải có sự kiểm định của một bên thứ 3 để đảm bảo tính khách quan. Ví dụ như hàng giả về mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm thì phải gửi sang Viện khoa học SHTT Việt Nam, còn nếu giả về chất lượng sản phẩm thì sẽ gửi đi các đơn vị được ủy quyền, tùy theo tính chất của sản phẩm.

Thế nhưng, có một số vấn đề đặt ra đối với công tác giám định, đó là: trong giai đoạn tiền khởi tố, thời gian tạm giữ đối tượng chỉ kéo dài 9 ngày. Tuy nhiên, có những mẫu hàng, ví dụ như xi măng, thời gian tối thiểu để giám định là 17 ngày, như vậy không thể tạm giữ đối tượng cho đến khi giám định xong. Chính việc này tạo ra kẽ hở và gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy tìm lại đối tượng phạm tội. Khó khăn thứ hai chính là việc áp dụng luật một cách máy móc vào trong công tác giám định.

Đối với rất nhiều nước, khi bắt quả tang hành vi sản xuất hàng giả thì sẽ bị xử phạt ngay với tất cả tang chứng thu được. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả các mẫu tang vật đều phải được đưa đi giám định. Bên cạnh đó, có những mẫu phải có thuốc thử chuyên biệt như những loại kháng sinh thế hệ mới phải gửi đi rất nhiều nơi để giám định. Điều này gây tốn kém rất nhiều cho cơ quan điều tra cũng như ngân sách của Nhà nước. Vì thiếu kinh phí nên việc đấu tranh chống tội phạm liên quan đến hàng giả là rất vất vả.

Trung tá Hà Thế Hùng
Đội trưởng Đội chống Hàng giả, Phòng CSĐT tội phạm về QLKT và CV - CATP Hà Nội