Chống biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dựa trên dữ liệu từ hai cơ quan theo dõi khí hậu trong nhiều thập niên, tuần này Trái đất có những ngày nhiệt độ đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Chống biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp thiết với thế giới.

Kỷ lục về nhiệt độ trong ít nhất 100.000 năm

Kênh CNN (Mỹ) cho biết, hôm 3-7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Đây là mức kỷ lục trong dữ liệu của Trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) tính từ năm 1979. Đến ngày hôm sau 4-7, nhiệt độ thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C. Mức nhiệt độ toàn cầu này vẫn giữ nguyên trong ngày 5-7. Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cũng xác nhận rằng nhiệt độ toàn cầu ngày 3 và 4-7 đạt kỷ lục trong dữ liệu của họ có từ năm 1940. Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8-2016.

Tiết trời nắng nóng tại New York, Mỹ

Tiết trời nắng nóng tại New York, Mỹ

Một số nhà khoa học đánh giá, mặc dù các tập dữ liệu của hai cơ quan trên mới chỉ có từ giữa thế kỷ XX, nhưng gần như chắc chắn rằng nhiệt độ nóng nhất của hành tinh ghi nhận trong tuần này cũng là kỷ lục của một khoảng thời gian dài hơn nhiều, dựa trên những gì chúng ta biết được từ dữ liệu khí hậu trong nhiều thiên niên kỷ trích xuất từ lõi băng và rạn san hô. Theo nhà khoa học Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Mỹ), kỷ lục nhiệt độ của tuần này có lẽ là cao nhất trong “ít nhất 100.000 năm”.

Thời tiết khắc nghiệt cộng với tình trạng mất điện, nước kéo dài không những làm đảo lộn cuộc sống, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Theo các chuyên gia y tế, nhiệt độ quá cao gây ra rối loạn chức năng tế bào, ngăn cản các tế bào hoạt động bình thường. Robert Shesser, Trưởng khoa cấp cứu tại trường Y khoa và Khoa học sức khỏe thuộc Đại học George Washington cho biết, trong môi trường nhiệt độ cao, các tế bào chịu trách nhiệm cho tất cả quá trình trong cơ thể trở nên yếu hơn. Tình trạng đó có thể ảnh hưởng đến não, tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp, rối loạn chức năng tế bào do nhiệt độ quá cao sẽ ngăn cơ thể sử dụng các cơ chế hạ nhiệt, chẳng hạn như đổ mồ hôi, từ đó làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến nhiệt.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Y tế Mexico cho biết, đã có ít nhất 100 người tử vong trong hai tuần cuối tháng 6-2023 do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng khi nước này trải qua nhiệt độ thiêu đốt lên tới gần 50 độ C ở một số khu vực. Cũng theo cơ quan y tế nước này, số ca tử vong do nắng nóng trong năm nay cao gần gấp 3 lần so năm 2022. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã phải nhập viện vì tình trạng sức khỏe yếu do nắng nóng.

Tại Ấn Độ, gần 200 người đã thiệt mạng ở miền Trung nước này do nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ lên tới khoảng 40-43 độ C. Tình trạng quá tải được ghi nhận ở nhiều bệnh viện khi số ca nhập viện do say nắng, say nóng tăng lên nhanh chóng. Tại Mỹ đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp tử vong do nắng nóng ở Texas và Louisiana. Theo báo cáo của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), trung bình có khoảng 702 người Mỹ tử vong mỗi năm do nắng nóng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác ước tính con số thiệt mạng do nhiệt độ cao có thể lên tới gần 1.300 người mỗi năm.

Theo các nhà khoa học, tình hình nắng nóng sẽ còn tiếp tục và kỷ lục ngày nóng nhất có thể bị xô đổ thêm vài lần nữa trong năm nay. Nhà khoa học Robert Rohde tại tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Berkeley Earth đăng lên mạng xã hội Twitter rằng, thế giới “có thể sẽ trải qua một số ngày thậm chí còn nóng hơn nữa trong 6 tuần tới”.

“Bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”

Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường trong năm nay là do sự xuất hiện của hiện tượng El Nino. El Nino, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “đứa con của Chúa” hay còn gọi là “Hài Đồng nam”, là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. El Nino gây ra những hiện tượng khác nhau trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tình trạng thời tiết nóng và khó chịu hơn mức bình thường. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hiện tượng El Nino đã bắt đầu gây ảnh hưởng ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, dẫn tới hiện tượng gia tăng nhiệt độ và các kỷ lục về nhiệt độ bị xô đổ.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính của tình trạng nóng bất thường là do biến đổi khí hậu. Nhà nghiên cứu khoa học Zeke Hausfather tại Berkeley Earth cho rằng tình trạng nắng nóng đang diễn ra “chỉ là khởi đầu trong một loạt các kỷ lục mới trong năm nay” khi lượng khí thải và khí nhà kính ngày càng tăng cùng với sự quay trở lại của hiện tượng El Nino. Còn theo nhà khoa học khí hậu Friederike Otto thuộc Viện Môi trường và biến đổi khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia Anh, các kỷ lục nhiệt độ mới đây không phải là cột mốc quan trọng để chúng ta nên ăn mừng mà là “bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”.

Trong các yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, nhiên liệu hóa thạch gồm than đá, dầu mỏ và khí đốt được biết đến nhiều nhất, chiếm hơn 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và gần 90% tổng lượng phát thải carbon dioxide (CO2). Do biến đổi khí hậu, trong vòng 5 năm tới, nhiều khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 1,5 độ C, dẫn tới tác động rất lớn trên quy mô toàn cầu. Theo cảnh báo, hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển có nguy cơ đối mặt với việc ngập lụt, 50% dân số thế giới nằm trong vùng nguy hiểm, 14% số loài sinh vật trên cạn có nguy cơ tuyệt chủng cao nếu như tình trạng Trái đất nóng lên ngày một cao và vẫn kéo dài.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi chúng ta phải hành động. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% do con người gây ra, chỉ có 10% là do tự nhiên. Vì vậy, việc làm trước hết là ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, không phải trong nhiều thập kỷ nữa mà là ngay bây giờ. Lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần được giảm xuống 60% so với mức của năm 2019 vào năm 2035 thì mới có thể giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. “Cuộc chiến” vì tương lai này đòi hỏi sự chung tay của tất cả mọi người, trước hết là với các quốc gia phát thải nhiều hơn. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thế giới cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ nhằm hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu. Các nước cũng cần loại bỏ dần năng lượng hóa thạch và thay thế bằng các loại năng lượng xanh hơn.

Bên cạnh đó là yêu cầu tuyên truyền vận động cho người dân biết và hiểu biết về biến đổi khí hậu, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Người dân có thể đóng góp vào việc bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn chặt phá rừng bừa bãi. Diện tích rừng hiện nay ngày càng bị thu hẹp dần mà nguyên nhân là do nạn chặt phá rừng. Đây chính là lý do khiến cho lượng CO2 bị thải vào môi trường tăng khá cao, gây nên hiệu ứng nhà kính và làm Trái đất nóng lên, kéo theo các vấn đề về khí hậu, hay môi trường khác như mưa lũ, băng tan…