WHO cảnh báo về “sát thủ” biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguy cơ biến đổi khí hậu có thể dẫn tới hơn 9 triệu ca tử vong mỗi năm vào cuối thế kỷ này cho thấy đây là thách thức toàn cầu, đòi hỏi thế giới phải chung tay đối phó.
Nhà cửa bị phá hủy trong trận lũ lụt ở Đức

Nhà cửa bị phá hủy trong trận lũ lụt ở Đức

Các phương diện liên quan đến sức khỏe đều bị ảnh hưởng

Trong báo cáo thống kê mới công bố về tình hình y tế thế giới hàng năm, WHO cảnh báo: “Sự chậm trễ thêm nữa trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các rủi ro sức khỏe, phá hoại những tiến bộ hàng thập kỷ trong y tế toàn cầu và vi phạm các cam kết chung của chúng ta”. Theo các nhà khoa học, tất cả các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn trong lịch sử Trái đất đều liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu cụ thể nào đó. Sự kiện tuyệt chủng Kỷ Ordovic-Silur khoảng 440 triệu năm trước với 85% số loài bị xóa sổ là kết quả của quá trình nguội lạnh toàn cầu và mực nước biển giảm, tác động đáng kể đến nhiều loài sinh vật biển sống ở các vùng nước nông ven biển ấm áp. Vào Kỷ Jura-Trias cách đây khoảng 200 triệu năm trước, Trái đất nóng lên do lượng khí nhà kính khổng lồ bị đẩy vào bầu khí quyểnsau các vụ phun trào núi lửa đã xóa sổ 80% số loài sinh vật biển và đất liền.

Trong khi đó, theo báo cáo mà WHO vừa công bố, tại thời điểm hiện nay, “Tất cả các phương diện liên quan sức khỏe đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nước, đất, không khí sạch cho đến lương thực và sinh kế”. Chẳng hạn như nguồn nước, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Science vào ngày 18-5 cho hay, hơn một nửa số hồ tự nhiên và hồ chứa nước lớn trên thế giới đang bị cạn dần kể từ đầu thập niên 1990, chủ yếu do biến đổi khí hậu. Trên cơ sở xem xét gần 2.000 hồ lớn bằng dữ liệu vệ tinh cùng các mô hình khí hậu và thủy văn, một nhóm nghiên cứu quốc tế nhận thấy một số nguồn nước ngọt quan trọng nhất trên thế giới, từ biển Caspi nằm giữa châu Âu và châu Á đến hồ Titicaca ở khu vực Nam Mỹ, trong gần ba thập niên qua mỗi năm đã mất đi lượng nước khoảng 22 tỷ tấn, bằng 17 lần lượng nước ở hồ Mead - hồ chứa nước lớn nhất của Mỹ.

Hậu quả của biến đổi khí hậu có thể ghi nhận ở rất nhiều khía cạnh. Theo các nhà nghiên cứu, số ca tử vong liên quan đến các trận thiên tai như lũ lụt, hạn hán sẽ tăng lên. Trong khi một số nơi đang bị hạn hán nghiêm trọng, những nơi khác phải vật lộn với lũ lụt. Nhiệt độ và lượng mưa thay đổi cũng có thể góp phần làm lây lan bệnh truyền nhiễm sang các khu vực mới. Dự báo tới những năm 2030, hơn 400 triệu người sẽ “không thể làm việc ngoài trời” do quá nóng. Vào năm 2040, gần 700 triệu người mỗi năm có thể sẽ phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài ít nhất 6 tháng. Đến năm 2050, hơn 70% người dân ở mọi khu vực trên thế giới có thể sẽ trải qua những đợt nắng nóng. Còn đến đầu thế kỷ tới, số lượng các trận lũ lụt sẽ tăng lên, khiến 200 triệu người trên toàn thế giới có thể phải đối mặt với trận lũ lớn với xác suất 100 năm, hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao. Đặc biệt, theo cảnh báo trong một báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), sản lượng nông nghiệp có thể giảm 30% vào năm 2050, trong khi lượng lương thực cần thiết cho dân số đang phát triển được dự đoán sẽ tăng 50%. Báo cáo này do Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) soạn thảo, cho biết sản lượng sẽ giảm ít nhất 10% ở Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Argentina, nơi đa số các loại cây nông nghiệp được trồng.

Các giải pháp phải được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân

Trong bối cảnh tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng hiện rõ, các nhà hoạt động môi trường đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xem xét biến đổi khí hậu như một cuộc khủng hoảng thực sự để tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Theo các nhà khoa học, nâng cao nhận thức, thay đổi chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, biến cam kết thành hành động là điều mà các quốc gia cần khẩn trương thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức vào tháng 4-2023, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi: “Các nhà lãnh đạo ở mọi nơi phải hành động. Thứ nhất, bằng cách xây dựng một liên minh toàn cầu về không phát thải carbon vào giữa thế kỷ này. Thứ hai, bằng cách biến đây trở thành một thập kỷ biến đổi. Tất cả các quốc gia, bắt đầu với các nước phát thải lớn, nên đệ trình các đóng góp mới và tham vọng hơn do quốc gia quyết định để giảm thiểu, thích ứng và tài chính, đưa ra các hành động và chính sách trong 10 năm tới phù hợp với lộ trình không phát thải khí carbon vào năm 2050. Thứ ba, chúng ta cần chuyển những cam kết đó thành hành động cụ thể, ngay lập tức”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng đề xuất với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) về một “hiệp ước đoàn kết khí hậu” nhằm thúc đẩy nỗ lực đạt được việc thông qua chương trình nghị sự tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, chương trình nghị sự kêu gọi các nước phát triển chấm dứt việc sản xuất điện từ than đá vào năm 2035, phần còn lại của thế giới vào năm 2040, đồng thời chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ cho dầu khí mới cũng như mọi hoạt động mở rộng khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có. Tuy nhiên, trên thực tế, việc huy động nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu gặp không ít khó khăn. Đến nay, các nước vẫn loay hoay trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Lộ trình cắt giảm khí thải vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn, nhiều nước xác định sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Trong khi đó, Trung Quốc, nước xả thải hàng đầu thế giới hiện nay, lại xác định mục tiêu này vào năm 2060. Các nước cũng có những kế hoạch chuyển đổi khác nhau về năng lượng, trong khi các mục tiêu trung hòa khí thải đang đến gần. Chẳng hạn như trong nhóm các nền kinh tế phát triển, Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu đòi hỏi những khoản kinh phí đầu tư rất lớn. Nếu không có tài chính, không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu, bởi theo ước tính, để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, từ này đến năm 2030, mỗi năm thế giới sẽ cần hơn 2.000 tỷ USD. Trong khi đó, ngay các quốc gia giàu có cũng chưa thể thực hiện mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư vào năng lượng sạch và tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu. Chính vì thế, các nước đang phát triển đang phải “gồng mình” vừa tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để ngừng đốt nhiên liệu hoá thạch làm nóng hành tinh, vừa chuẩn bị công tác ứng phó với các thảm họa khí hậu có thể xảy ra trong tương lai, trong khi vẫn phải giải quyết các khó khăn hiện tại như chi phí gia tăng, nợ nần chồng chất và sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Còn rất nhiều khó khăn phía trước. Nhưng như lời cảnh báo của bà

Christiana Figueres - Đối tác sáng lập tổ chức Global Optimism “Chúng ta có thể thực hiện được mọi thứ nhằm tránh những tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu, nhưng điều đó phụ thuộc vào các giải pháp phải được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân”.