Choáng với giá gas tăng

ANTĐ - Đột ngột tăng mạnh giá bán lẻ ngay sau Tết Nguyên đán, giá gas đang làm nhiều người tiêu dùng choáng váng. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas giải thích việc tăng giá này theo biến động của thị trường thế giới.

Giá gas cần được quản lý chặt (ảnh minh họa)

Tăng giá kỷ lục

Ông Đỗ Trung Thành - Phó Phòng kinh doanh gas Saigon Petro cho biết: “Giá gas thế giới đang đứng ở mức kỷ lục, 1.025 USD/tấn. Chưa bao giờ gas lại tăng trên 1.000 USD/tấn như vậy, kéo giá gas trong nước tăng theo”. Theo ông Thành, gas tại thị trường nội địa có một phần sản xuất trong nước, một phần nhập khẩu nhưng giá cả mặt hàng này biến động theo thế giới. Thời tiết giá lạnh tại nhiều nước khiến sức tiêu thụ mặt hàng này tăng, đẩy giá gas lên cao.

Bắt đầu từ 1-2-2012, giá bán lẻ gas trong nước của các hãng tăng thêm trung bình 40.000 đồng/bình 12kg. Đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm nay. Trước đó, ngày 5-1-2012, gas đã tăng thêm 8.000 đồng/bình 12 kg, nâng giá bán lẻ lên mức gần 400.000 đồng/bình 12 kg.

Từ cuối năm 2011 đến nay, giá gas được điều chỉnh bất cứ khi nào có biến động, thay vì chỉ điều chỉnh 1 lần/tháng vào ngày đầu tháng như trước đây. Nhưng có thể thấy, số lần điều chỉnh tăng giá nhiều hơn hẳn so với số lần điều chỉnh giảm giá. Biên độ điều chỉnh tăng giá cũng lớn hơn so với giảm giá, tương tự như sự vận động giá mặt hàng xăng dầu.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp đầu mối được quyết định tăng giá bán lẻ theo Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh gas của Chính phủ mà không phải thông báo cho Hiệp hội. Các cơ quan quản lý và Hiệp hội sẽ kiểm tra khi có thông tin phản ánh doanh nghiệp tăng giá bán vô lý, không đúng quy định. Ông Thắng cho biết thêm Hiệp hội làm văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xin giảm thuế nhập khẩu xuống còn 2%, nhằm giảm giá bán lẻ.

Có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá gas như hiện nay là khá “dễ dãi”, bởi gas không nằm trong danh mục hàng hóa phải bình ổn giá, cũng không bị quản như giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây lại là một trong số những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên việc tăng giá ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Sức mua sẽ giảm

Theo giám đốc kinh doanh một hãng gas, hiện tại đã là thời điểm sau Tết Nguyên đán nên giá gas tăng sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, đặc biệt là với biên độ tăng mạnh như lần này. “Trước tết, dù giá gas có tăng, nhưng khách hàng vẫn gọi gas để đun nấu thuận tiện. Giờ người dân có thể lựa chọn đun nấu bằng bếp than, bếp điện” - vị giám đốc này nhận định. Đoán trước tình hình song các doanh nghiệp cho biết vẫn không thể giữ giá bán lẻ như tháng 1-2012 bởi giá CP (giá gas thị trường thế giới) nhập khẩu tăng quá mạnh, và các doanh nghiệp khác đều đã tăng giá bán lẻ.

May mắn thay gas trước tết, chị Hoa (Trung Văn - Từ Liêm) thở phào khi biết thông tin giá gas tăng “sốc” sau tết. “Từ đầu năm 2012, gas đã tăng thêm từ 66.000 - 74.000 đồng/bình 12 kg, xót ruột quá. Giá gas có tăng mạnh thì nhà nào hết gas vẫn phải gọi, nhưng họ sẽ giảm dùng gas, tăng dùng bếp than cho tiết kiệm. Vừa mới tết chi tiêu tốn kém, sau tết đã có nguồn thu nào đâu mà hàng hóa tăng giá thế này” - chị Hoa than thở. Băn khoăn của người dân ở chỗ, gas có lúc tăng giá thì sẽ có lúc giảm, nhưng giảm giá lại quá ít, mặt bằng giá mới cho mặt hàng này tựu chung lại luôn ở mức cao, ít có cơ hội giảm xuống dưới 400.000 đồng/bình 12kg như trước đây.

Theo ông Đỗ Trung Thành, rất khó dự báo thời điểm giá gas giảm vì thời tiết còn lạnh và bất ổn chính trị vẫn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Ông Thành cũng cho hay, theo Nghị định 107/NĐ-CP, mức giá bán lẻ doanh nghiệp đầu mối buộc đại lý bán lẻ phải thực hiện, tức là giá bán này đã đến tay người tiêu dùng. Đại lý nào tự ý tăng giá bán cao hơn nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhiều thông tin cho biết, đại lý bán lẻ hưởng lợi nhuận khoảng 30%/bình gas. Đây là mức lợi nhuận quá cao và đặt cho người tiêu dùng thêm gánh nặng chi tiêu.