- Hơn 83% bãi rác đô thị không hợp vệ sinh
- Cháy lớn tại cơ sở sản xuất gia vị tương ớt, một người bị bỏng nặng
Bên trong và ngoài chợ xập xệ, hư hỏng…
Nhìn mà xót ruột
Đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Điệp - nguyên Trưởng ban quản lý chợ Sa vẫn tiếc nuối về khu chợ truyền thống đông đúc nhất nhì của huyện mình. 10 năm trước, chợ Sa tuy tiếng là chợ xã, nhưng nơi đây rất sầm uất. Không chỉ có dân xã Cổ Loa tìm đến hội họp, mua bán mà ngay cả dân ở khắp các xã trong huyện từ Dục Tú, Xuân Nộn, Xuân Canh, Uy Nỗ, Mai Lâm… cũng tìm về. Từ sáng tới chiều, kẻ mua người bán lúc nào cũng đông nghịt. Bây giờ chợ Sa vẫn còn đó, nhưng đã bị di chuyển sang nơi khác và dù đã được xây dựng lại bằng những khu nhà khung sắt có mái che, nhưng lượng giao thương chỉ bằng 1/3 ngày trước.
Ông Điệp nhà đối diện ngay cổng chợ văn hóa du lịch Cổ Loa - nơi mà người ta đã xây dựng xong từ năm 2005 trên chính nền đất của chợ Sa truyền thống cũ bảo: “Ngày ấy, ban quản lý chợ Sa túi bụi cả ngày không hết việc. Mỗi tháng chúng tôi nộp về ngân sách xã 6,5 triệu đồng. Thời điểm những năm 2000, đây là khoản thu không nhỏ. Thế rồi chúng tôi nhận được lệnh chuyển chợ Sa ra cạnh sông Hoàng Giang để xây dựng tại đây chợ văn hóa du lịch Cổ Loa với số vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ đồng. Những tưởng xã có 2 chợ thì mức độ giao thương sẽ tăng lên. Ai ngờ, chợ Sa cứ ngày một teo tóp đi, còn chợ văn hóa du lịch Cổ Loa thì chẳng có ai nhòm ngó. Suốt chừng ấy năm khu chợ văn hóa du lịch mới xây trở thành nơi đỗ xe, bãi tập kết vật liệu xây dựng hoặc bỏ hoang. Nhìn mà xót ruột!”.
Theo kế hoạch, chợ văn hóa du lịch Cổ Loa được xây dựng nhằm đi tắt đón đầu cho việc bảo tồn, tôn tạo, xây dựng và phát triển du lịch khu di tích Cổ Loa. Đây cũng là bộ mặt của địa phương với mục tiêu thu hút khách tham quan, thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến nghiên cứu thực hiện các dự án đầu tư trong khu vực. Thế nhưng khách thì mong đỏ mắt, mỗi ngày cũng chỉ lèo tèo dăm nhóm người đảo qua chốc lát rồi đi. Các nhà đầu tư hay tiểu thương thuê địa điểm, ki ốt để kinh doanh buôn bán cũng chẳng thèm để mắt đến. Và có lẽ vì quá “nhanh chân” nên đến nay đã tròn 10 năm, chợ văn hóa du lịch Cổ Loa vẫn ở trong tình huống… việt vị.
Lãng phí tiền tỷ
Hỏng hết rồi - đó là câu nói của ông Lê Văn Vệ, trưởng thôn phố chợ khi được hỏi về công trình chợ văn hóa du lịch Cổ Loa mà thôn của ông được xã giao cho trông giữ. Ông Vệ tiếc rẻ: “Trần nhà sập bung bét, khu vệ sinh thiết bị gần như đã hư hỏng sạch, hệ thống cấp điện, PCCC, cấp nước, thoát nước mất hết các thiết bị. Các cửa vách kính cũng vỡ chẳng còn gì. Nước mưa giột tứ tung, tường mốc meo chăng đầy mạng nhện. Với dân thôn phố Chợ, công trình này không khác gì “cục nợ”. Bởi suốt 10 năm qua nó chẳng hoạt động gì, trong khi chính những người dân nơi đây lại đang rất cần một địa điểm rộng rãi, khang trang như vậy để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. 10 năm bỏ hoang nghĩ mà tiếc đứt ruột”.
Rồi ông Vệ hạch toán theo kiểu “con nhà nghèo”: “Giá vàng 10 năm trước chỉ có 8.000.000 đồng/lượng, bây giờ đã lên tới 35 triệu đồng/lượng tức là gấp gần 4,5 lần. Với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng của năm 2005 quy ra thời giá bây giờ tức là khoảng 18 tỷ đồng. Số tiền ấy thừa sức xây dựng cho xã này cả chục nhà văn hóa”.
Tôi nhìn khắp khu chợ gần 2.000m2 nay đã trở thành “di tích” như chính địa danh mà nó định phục vụ và thấy đúng như những gì ông Vệ nói. Sân khu chợ nay biến thành bãi đỗ xe và tập kết vật liệu xây dựng - nơi các đứa trẻ ngày ngày vào thả sức nghịch cát, nô đùa. Thậm chí còn có cả một khu nhà tạm dành cho những người dân trong xã chưa được cắt đất tái định cư làm nơi cư trú.
Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa chua chát: “Sau khi chợ xây dựng xong, UBND huyện Đông Anh đã có thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ đấu giá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến thời điểm đấu giá thì không có nhà thầu nào vào tham gia cả. Trước tình hình đó huyện đã giao cho xã Cổ Loa tiếp nhận, quản lý và tiếp tục thông báo mời các thương nhân vào chợ kinh doanh nhưng đến nay vẫn không có hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và không đáp ứng được mục tiêu ban đầu.
Lý do là quy định chợ chỉ được kinh doanh hàng thủ công, mỹ nghệ hoặc quà lưu niệm phục vụ du khách đến tham quan di tích. Nhưng khách đến Cổ Loa không có thì bán cho ai?”.
Năm 2011, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản xin phép chuyển đổi công năng của chợ để tổ chức xã hội hóa việc quản lý khai thác, nhưng sau đó chợ vẫn bỏ hoang. Cho tới cuối năm 2014, một phương án chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ văn hóa du lịch Cổ Loa cũng đã được phê duyệt nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến bây giờ mọi việc vẫn im lìm. Không chỉ có UBND xã Cổ Loa mà ngay cả 17 nghìn người dân nơi đây vẫn ngày ngày đi qua chợ và lắc đầu tiếc rẻ.