"Cho tôi về cắt tóc Kim Liên..."

(ANTĐ) - Nếu có ai hỏi rằng nghề cắt tóc có từ đâu thì các con cháu hãy nói rằng nghề cắt tóc có từ làng Kim Liên - Đồng Lầm xưa của kinh thành Thăng Long. Các bậc cao niên trong làng Kim Liên vẫn nói cho con cháu mình như vậy. Đến bây giờ không ai nhớ chính xác nghề cắt tóc bắt đầu xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng đã có nhiều đời người qua đi, nhiều thế hệ qua đi, nhưng cây kéo, chiếc dao cạo mài vào miếng da vẫn lõm vào theo năm tháng. Thời gian thì cứ vô tình lấy đi của làng những tay kéo tài hoa, trong khi lớp con cháu kế cận lại không mấy ai muốn đi theo nghề này.

"Cho tôi về cắt tóc Kim Liên..."

(ANTĐ) - Nếu có ai hỏi rằng nghề cắt tóc có từ đâu thì các con cháu hãy nói rằng nghề cắt tóc có từ làng Kim Liên - Đồng Lầm xưa của kinh thành Thăng Long. Các bậc cao niên trong làng Kim Liên vẫn nói cho con cháu mình như vậy. Đến bây giờ không ai nhớ chính xác nghề cắt tóc bắt đầu xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng đã có nhiều đời người qua đi, nhiều thế hệ qua đi, nhưng cây kéo, chiếc dao cạo mài vào miếng da vẫn lõm vào theo năm tháng. Thời gian thì cứ vô tình lấy đi của làng những tay kéo tài hoa, trong khi lớp con cháu kế cận lại không mấy ai muốn đi theo nghề này.

Cầm dao cạo sao cho chuẩn cũng phải học mất vài tháng
Cầm dao cạo sao cho chuẩn cũng phải học mất vài tháng

Kim Liên còn có một nghề

Theo bác Phạm Đức Hà - đời thứ bảy làm nghề cắt tóc thì nghề này là một nét đẹp văn hóa của Hà Nội. Cắt tóc là một nghề mang tính nghệ thuật. Nét đẹp được toát ra từ đôi bàn tay đến dáng đứng của người thợ. Đôi bàn tay múa kéo làm sao phải khéo và dẻo như múa chèo, thế đứng của người thợ phải vững vàng. Tiếng đánh kéo phải nhịp nhàng như tiếng nhạc, như nhịp trống chầu, phải đúng nhịp đôi nhịp ba như nhạc nhảy sao để đưa người khách vào giấc ngủ mơ màng. Mà kể cũng lạ, mỗi người thợ một nhịp kéo, một cách đánh kéo khác nhau. Khách nhớ tiếng lách cách... lanh canh... mà tìm đến thợ.

Không chỉ có vậy, con mắt của người thợ phải là con mắt của một người họa sĩ để nhìn được độ mờ, độ bóng của tóc. Tay lược của người thợ phải vững vàng như tay thước của người thợ mộc, lược đi đến đâu, kéo theo đến đấy mới không bị giật, bị vấp... Đấy là còn chưa nói đến chuyện tay cầm kéo, cầm dao như thế nào, ngón nào nâng, ngón nào đỡ, ngón nào giữ. Nếu cầm dao mà không khéo thì không thể cạo mặt cho khách được ngọt, mát và êm dịu. Rồi chiếc khăn choàng cho khách cũng phải choàng như thế nào cho đúng điệu, đúng chiều gió, không để tóc vương bụi vào mặt khách... Xem ra học cắt tóc thì dễ, nhưng để trở thành những tay kéo tài hoa, những “Kim Liên đệ nhất kéo” thì không phải là chuyện đơn giản.

Chút tình người thợ

Nơi góc phố, cụ Cam vẫn làm việc hàng ngày
Nơi góc phố, cụ Cam vẫn làm việc hàng ngày

Không biết có phải nghề cắt tóc đã tạo cho những người con của làng Kim Liên tính cách hào hoa lãng tử không chứ nghe những người thợ cắt tóc nói chuyện có duyên lắm, mê lắm. Nhiều người bảo người làng Kim Liên khéo giao thiệp, ăn nói hoạt bát là cũng bởi nghề tổ của làng đã tạo cho họ có cơ hội được giao tiếp với nhiều người ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Khách đến cắt tóc cũng đủ hạng người, sang hèn đủ cả. Ấy vậy mà với khách nào, người thợ cũng tiếp chuyện được, cũng tán được thế mới tài.  

Cụ Phạm Văn Cam - năm nay đã ngoài 80, có lẽ cụ là số ít những tay thợ trong làng còn làm nghề. Cứ sáng sáng đều đặn cụ đạp xe đến bên gốc cây si già trước cổng rạp xiếc. Một gương, một hòm, một ghế, dao kéo tông đơ dăm bảy bộ, theo nghề từ năm mười sáu, mười bảy, đến nay đã hơn sáu chục năm trong nghề cụ vẫn còn giữ được con dao nhãn hiệu “hai chìa khóa” từ thời Pháp. Mấy lần qua chỗ cụ, lúc nào cũng thấy cụ vận áo sơ mi trắng tinh, sơ vin gọn gàng trong chiếc quần Tây. Cụ bảo cái nghề này nó thế, mình phải sạch thì mình mới làm sạch cho khách được. Khách đến với cụ có người  chung thủy mấy chục năm nay, có người đạp xe từ Trương Định, Cầu Giấy, rồi tận Hà Đông. Có những khách ở tận Sài Gòn, Nghệ An đã từng được cụ cắt tóc một lần thì không thể bỏ được. Cứ mỗi lần có dịp ra Hà Nội đều phải tìm đến cụ. Cụ nhớ nghề, nhớ khách, nhớ những âm thanh ồn ào nơi góc phố, nhớ những cuộc chuyện trò thủ thỉ với những ông bạn già. Tuổi đã cao rồi,  người cũng yếu rồi, các con các cháu khuyên cụ ở nhà nghỉ ngơi nhưng cụ không chịu.

Cụ Phạm Ngọc Mậu năm nay cũng ở tuổi xưa nay hiếm, tuổi cao rồi cụ đã không mở cửa hàng nữa, nhưng khách quen vẫn tìm đến tận nhà... Quanh bàn trà nhà cụ có rất nhiều rượu và cafe. Cụ bảo: “Khách biếu cả đấy, mấy ông đến cắt tóc, rồi lại cùng nhau nâng chén, đàm đạo dăm ba câu chuyện đời nên thành bạn thành thân”. Khách của cụ có những người đã cắt tóc hơn năm mươi năm, có người cắt tóc cho đến tận khi nhắm mắt. Trong mấy chục năm cầm kéo đã có những cuộc đời đi qua cây kéo của cụ. “Mỗi lần nghe tin ông bạn già qua đời là mình lại thấy buồn, rồi đây cũng đến lượt mình. Rồi lại thấy tiếc cho nghề. Mình thì già rồi mà con cháu lại chả muốn làm nghề thì biết làm thế nào được” - Nghĩ vậy nên còn khỏe ngày nào là cụ vẫn làm thợ ngày ấy, chỉ đến khi mắt mờ, sợ làm xấu cho khách thì cụ mới thôi. Thậm chí có khách ốm đau không đi lại được, cho con cháu đến tận nhà mời cụ đến cắt tóc, cụ cũng đi. Cụ bảo cái tình của con người là phải như thế chứ.

Thế hệ tiếp nối

Anh Phạm Duy Mão - lớp con cháu của làng đã từng đoạt giải "Tay kéo vàng"

Anh Phạm Duy Mão - lớp con cháu của làng đã từng đoạt giải "Tay kéo vàng"

Cây kéo vàng Phạm Duy Hào - một trong những người tiếp nối nghề thành công nhất trong làng. Ông nội của anh Hào là cụ Phạm Duy Hiền, thời thuộc Pháp, cụ là người đã ôm hòm cắt tóc đi khắp các xứ Bắc - Trung  - Nam và được vua Bảo Đại chọn làm thợ cắt tóc riêng cho mình.  Khi còn nhỏ, anh đã được kể rằng bà Hoàng hậu Nam Phương đã từng nói với ông nội anh rằng: “Nghề này là một nghề cao qúy, nếu biết giữ lấy nghề mà truyền lại cho lớp con cháu đời sau thì thật đáng trân trọng”. Đến bây giờ khi đã thành danh, anh vẫn chưa quên được lời dạy của ông nội: Làm nghề này điều thứ nhất là phải tôn trọng khách hàng, điều thứ hai là phải làm nghề bằng cả cái đầu chứ không phải chỉ bằng đôi bàn tay. Người làm nghề phải có cái tâm đối với khách, nếu không khách sẽ bỏ mình. Anh Hào tâm sự: “Dường như cái nghề này nó đã ngấm vào máu huyết của tôi, tôi không thể bỏ được. Tôi yêu cái nghề này. Mặc dù để học được nó, tôi đã mất nửa năm trời ngồi chỉ có tập cầm kéo, bóp tông đơ cho dẻo tay, quen đồ nghề, thậm chí tay còn bị phồng rộp, tứa máu”. Vui với nghề, say với nghề, nhưng tôi vẫn thấy phảng phất trong ánh mắt của tay kéo tài hoa từng là “Quang Trung đệ nhất kéo” một thời này vẫn đượm nỗi buồn. Anh nói rằng anh vui vì mình đã làm đẹp được cho mọi người nhưng lại thấy buồn vì nghề đang bị mất dần đi bởi nhiều người chưa nhìn nhận một cách đúng đắn.

Chính vì có mặc cảm với nghề, nên con cháu trong làng không muốn theo nghề, chứ không phải cắt tóc không kiếm ra tiền. Cái nghề giản dị, rất đời mà đậm chất văn hóa này đã từng nuôi sống bao thế hệ của làng, tại sao chúng ta lại chối bỏ nó. Đã đến lúc phải tôn vinh nó - vị Chủ tịch trẻ tuổi của phường Phương Liên - Bùi Minh Hoàng đã nói như vậy. Anh Hoàng mong muốn có một dãy phố, hay một góc vỉa hè để hình thành một phố cắt tóc mang “thương hiệu” Kim Liên. Đây không chỉ là nơi để làm nghề, và để các cụ truyền nghề cho con cháu mà còn là nơi thu hút khách du lịch. Hà Nội có hồ Gươm, có chả cá Lã Vọng... tại sao lại không có phố cắt tóc Kim Liên. Biết đâu đấy, đến một lúc nào đó. Có một ông Tây ngồi trên xe xích lô du lịch và nói với người chở xích lô rằng: “Cho tôi về cắt tóc Kim Liên”.

Đinh Hương Bình