Chợ Trời ký sự (Kỳ một)
Chợ tạm “già” nhất Hà Thành
(ANTĐ) - Chợ Hòa Bình nằm trên một số tuyến phố, ngõ của phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nó tồn tại lâu nhất trong các chợ tạm của Hà Nội.
Mặc dù chợ được đặt tên là chợ Hòa Bình, nhưng mọi người vẫn quen gọi đó là chợ Trời. Ở đây trên là trời, dưới là hàng, đủ các loại hàng nhưng nhiều nhất vẫn là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng trộm cắp… Vì vậy có ai đó đã nói: người đứng đắn có lẽ chẳng bao giờ đến chợ Trời để mua hàng. Và xung quanh cái chợ đặc biệt này còn có rất nhiều chuyện khác thường mà chúng tôi không muốn nói ra…
Chợ Trời ai đã đặt tên…
Khung cảnh chợ Trời |
Ông Nguyễn Văn Nam, nhà ở ngõ Trần Cao Vân, nay tuổi đã gần 70 cho chúng tôi biết: Cách đây khoảng 50 năm, lúc đó ông đang tuổi thanh niên trai tráng thì ở đây đã hình thành cái chợ. Chợ họp tự phát, vào bất kể thời gian nào trong ngày, người bán, người mua đều đứng giữa lòng đường, ai có loại hàng gì, dù là đồ cũ hay mới đều mang ra đây bán, còn ai cần thì đến mua, thời buổi đó hàng hóa hiếm hoi, nên người bán không bày hàng trên sạp mà chủ yếu cầm ở tay hoặc vắt lên vai.
Có người nói vì chợ không có mái che, ngửa cổ lên là nhìn thấy trời nên người ta gọi nó là chợ trời. Nhưng cũng có người nói do mọi việc mua bán ở đây đều tù mù, nên khi phát hiện mình đã mua phải hàng dởm, hàng kém chất lượng nhiều khách hàng chỉ còn cách ngửa mặt lên trời… mà than “giời ơi!”, có lẽ vì vậy mà chợ này được gọi là chợ Trời...
Thời bao cấp hàng hóa khan hiếm, thứ gì cũng qua phân phối, hoặc có bán tự do ở các mậu dịch thì người mua phải xếp hàng đến nửa ngày mới mua được. Nhưng người có tiền chỉ cần đạp xe đạp đến chợ Trời là có thể mua được mọi thứ, tất nhiên hàng hóa được đội lên với giá trên trời... Sau năm 1975, ở khu vực chợ Trời đã hình thành những cái chợ nhỏ như chợ mũ cối, chợ quần áo cũ, chợ đồng hồ và chợ đồ cũ các loại.
Một vài năm sau đó, khi người Hà Nội biết đến chiếc xe máy Hon da, thì ở đây cũng bắt đầu xuất hiện một vài hàng bán đồ phụ tùng xe máy cũ. Trước năm 1980, quận Hai Bà Trưng đã có chủ trương giải tỏa chợ Trời để chuyển về khu vực đường Đại Cồ Việt và Công viên Thống Nhất hiện nay, nhưng chỉ được một thời gian ngắn những người buôn bán lại quay về khu vực cũ để họp chợ.
Năm 1982, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức sắp xếp lại chợ Trời, người bán hàng có sạp để bày hàng, có mái che nắng, mưa và chợ họp dưới lòng đường tại một số tuyến phố. Lần đầu tiên Ban Quản lý chợ được thành lập và lấy tên là chợ Hòa Bình. Nhưng người bán và người mua hàng ở đây vẫn quen gọi là chợ Trời.
Hiện tại, đứng từ trên cao nhìn xuống người ta có cảm tưởng chợ Trời như một con rết quá dài với nhiều chân tỏa ra từ các ngõ, ngách. Bởi chợ họp trên lòng đường của 3 tuyến phố ngoằn nghèo là Trần Cao Vân, Chùa Vua, Yên Bái 2 và 2 ngõ nhỏ là Trần Cao Vân, Thịnh Yên với rất nhiều lối rẽ ngang dọc, nhằng nhịt. Càng ngày chợ càng phát triển mạnh, vì vậy khoảng từ 5 đến 7 năm trở lại đây một vài tuyến phố quanh khu vực chợ Trời như Lê Gia Định, Thịnh Yên và đặc biệt là những hộ gia đình ở tầng 1 của các dãy nhà thuộc khu tập thể Nguyễn Công Trứ cũng đua nhau bung ra buôn bán và làm giàu.
Bây giờ, nếu ai đó lần đầu tiên đặt chân đến chợ Trời thì cứ ngỡ như mình đang bước vào trận đồ bát quái nào đấy mà không nhận được đường ra, bởi chợ tiếp nối chợ, sạp hàng bày san sát trên vỉa hè, đan xen nhau dưới lòng đường. Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi không dưới 3 lần đến đây để tận mắt chứng kiến việc buôn, bán ở chợ, để biết tên của các phố, ngõ bị biến thành chợ. Vậy mà lần thứ 4 quay lại đây để chụp ảnh, chúng tôi vẫn phải đi mất 2 vòng chợ mới tìm thấy lối trước đó mình đã vào.
“Giời ơi! sao đắt vậy”…
Hàng điện tử: Tivi, đầu video, băng đĩa ...có đủ |
Trần Văn Hải, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội, anh được nhiều người biết đến bởi là giám đốc trẻ tuổi năng động và rất chịu dùng hàng xịn. Anh là chủ nhân của chiếc xe ôtô Nissan Murano, một trong những chiếc xe mà các giám đốc “sành điệu” thường dùng để khẳng định đẳng cấp.
Nhưng một lần đến khách sạn sang trọng để tiếp đối tác là khách hàng nước ngoài, vị giám đốc này đỗ xe ngoài đường cốt để cho đối tác biết đến sự chịu chơi của mình. Sau khi tiễn khách về, giám đốc Hải giật bắn người vì phát hiện một chiếc gương xe đã “không cánh mà bay”. Anh ta điện thoại đi khắp các gara, các salon ôtô có tiếng của Hà Nội, rồi nhờ bạn bè tham mưu giúp mà chẳng nơi nào bán chiếc gương xe mới để thay vào.
Chẳng lẽ phải cho xe đắp chiếu cả tháng để chờ phụ tùng từ nước ngoài gửi về. Mà vị giám đốc này đang quen đi xe xịn, giờ làm sao lại có thể đi taxi đến công ty hay đi gặp đối tác. Trong lúc vị giám đốc trẻ vân phân chưa biết quyết định như thế nào, thì một người mách nước thử đến chợ Trời xem sao.
Đến chợ Trời, lòng vòng qua rất nhiều người giới thiệu rồi mất công đi, về dăm bảy lượt, giám đốc Hải mới vượt qua được vòng “thử thách” của những đối tượng chuyên buôn bán đồ trộm cắp ở đây. Theo hẹn, ngày hôm sau anh Hải được đưa đến một gian nhà nhỏ nằm trong ngõ sâu hun hút. Khi nhìn thấy chiếc gương xe giống y trang chiếc gương xe ôtô của mình đã mất, giám đốc Hải không giấu nổi sự mừng rỡ.
Dường như đọc được sự mừng rỡ trên khuôn mặt của khách, người bán hàng buông luôn một câu - “Chỉ có 7 triệu đồng thôi”. “Giời ơi! sao đắt vậy”, anh Hải buộc miệng kêu. Người bán hàng cười khẩy - “Sợ đắt thì cứ cho xe đắp chiếu mà chờ vậy”… Thế rồi kẻ đẩy giá lên, người đòi bớt giá, cuối cùng vị giám đốc đành chấp nhận mua chiếc gương xe ôtô của chính mình với giá 5 triệu đồng, mặc dù giá gốc của chiếc gương đó chỉ có hơn 100USD…
Trước đây là phố Chùa Vua, bây giờ thêm cả phố Lê Gia Định là khu vực bán phụ tùng xe máy các loại và cả phụ tùng ôtô. Tất nhiên đồ bày bán ở đây đều không có nguồn gốc, phần lớn là hàng của các đối tượng trộm cắp qua nhiều con đường khác nhau mang về bán ở đây. Vì vậy khu vực này khá phức tạp, đến đây mọi người có thể bắt gặp đủ các loại phụ tùng cũ của xe máy các đời, các hãng khác nhau, nào là vành xe, giảm xóc, củ máy, củ đèn, gương, xi nhan… cái thì được treo lủng lẳng trên cột, cái nằm phơi trên sạp hàng trừ khung xe.
Đến đây, nếu có thời gian mọi người có thể mua đủ phụ tùng để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc xe máy. Chắc chắn những phụ tùng xe máy như thế này đều là đồ do các đối tượng chuyên “mổ xe” trộm cắp bán ra. Điều đáng nói là những phụ tùng không rõ nguồn gốc như thế lại được bày bán công khai, không một chút giấu giếm và các chủ hàng mời chào khách mua trên cả sự nhiệt tình.
Tràn lan hàng lậu, hàng nhái
Có lẽ không ai có thể thống kê cụ thể được ở chợ Trời bày bán bao nhiêu mặt hàng tất cả, nhưng từ chiếc tivi màn hình lớn, máy phát điện cồng kềnh đến những viên pin hay linh kiện siêu nhỏ cho máy tính đều được bày bán tại đây. Hàng điện tử bày bán ở ngõ Trần Cao Vân trước đây phần lớn là hàng Seconhand được nhập từ một số cửa khẩu về với những tivi, đầu đĩa, âm ly đủ loại.
Đã có thời chợ Trời là địa chỉ của những người thích sài đồ điện máy Seconhen và cũng có nhiều chủ cửa hàng ở đây hốt bạc triệu mỗi ngày do buôn bán loại đồ này. Hiện tại là thời của hàng điện tử mới từ Trung Quốc, Thái Lan nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới rồi được đưa về chợ Trời bằng các nguồn khác nhau.
Ở đây các mặt hàng điện tử của Trung Quốc nhái theo hàng xịn được bày bán rất nhiều, giá của những chiếc tivi, đầu VCD, DVD nhái mới nghe đã giật mình như tivi 21 inch trở lên có giá từ 1,2 triệu đến 2 triệu đồng/chiếc; đầu VCD đọc được các loại đĩa, giá bán như cho 200.000 đồng/chiếc. Và người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với những loại hàng này, bởi của rẻ đồng nghĩa với chất lượng tồi.
Nếu như nói đến hàng lậu ở chợ Trời mà không nói đến việc buôn bán đĩa CD lậu quả thật chưa đầy đủ. Trước đây phố Yên Bái 2 số hộ buôn bán mặt hàng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nay con số này đã lên đến 80. Số lượng đĩa của các hộ bán tại sạp trong chợ không đáng kể, mà chủ yếu là những hộ buôn bán ở nhà, trong các ngõ gần đó.
Nhưng không phải ai cũng có thể vào những nơi như vậy để mua bán đĩa lậu nếu như không có sự dẫn dắt của khách hàng quen thuộc. Đó cũng là thủ đoạn của các đối tượng bán buôn đĩa lậu nhằm đối phó, tẩu tán tang vật khi phát hiện lực lượng kiểm tra. Những ngày này các hộ buôn bán đĩa lậu đều đóng cửa bên ngoài, còn trong nhà vẫn diễn ra mua bán bình thường...
Quách Tuyến
(Kỳ sau: Những “bí mật” của chợ Trời)