Cho phạm nhân lao động ngoài trại giam: Không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước một số ý kiến e ngại về việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề ngoài trại giam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân...
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận tại Quốc hội

Sáng 3-6, phát biểu thảo luận về Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết này.

Theo bà Thủy, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bởi đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Thống kê cho thấy, trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.

"Do đó, nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn" - bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua, phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện được ở một số trại, còn các trại ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thực hiện được.

Về một số ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề ngoài trại giam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động.

“Việc cho phép thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là giải pháp quan trọng cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải tạo tốt để con đường trở về nhà của phạm nhân ngắn lại, để họ sớm làm lại cuộc đời” – bà Thủy nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính thảo luận tại Quốc hội

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, việc thí điểm thực hiện nghị quyết này đó là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.

Theo bà, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình này sẽ tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước.

Cũng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết này mang tính nhân văn, xã hội hóa cao. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, cần phải được đánh giá tác động của mô hình đối với tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự địa phương, sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết.

Để dự thảo nghị quyết hoàn thiện hơn, ĐB Chính đề nghị rà soát lại quy định tại Khoản 2 Điều 1 về số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đại biểu cho rằng không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện thí điểm.

Ngoài ra, một số ĐBQH khác góp ý với dự thảo về quy định những phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trong đó có “người tổ chức trong vụ án đồng phạm”. Các ĐB đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn.