Chớ dại ham rẻ...

ANTĐ - Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ cùng gia đình tại Đà Nẵng, anh Lê Văn Hùng, ở đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội đã gọi điện đến số điện thoại của một người chuyên “bán vé máy bay giá rẻ” trên mạng để đặt mua. Tuy vậy, đến sát ngày bay, anh Hùng mới biết đã mua phải vé giả…

Minh họa: PHÚ KHÁNH


Vô số thủ đoạn lừa

“Ban đầu tôi cũng định mua vé tại Đại lý của Vietnam Airlines, nhưng sau khi vào mạng tham khảo tôi thấy có người đăng tin bán vé với giá rẻ hơn hẳn (1,3 triệu đồng/người/lượt) nên đã quyết định mua 5 vé. Khi họ mang vé điện tử đến, do chủ quan nên tôi không kiểm tra kỹ, chỉ nhìn qua ngày giờ, chuyến bay rồi đưa tiền. Đến sát ngày bay, cô em họ của tôi xem lại vé thấy nghi ngờ bèn mang đến đại lý bán vé máy bay của Vietnam Airlines hỏi thì được nhân viên ở phòng vé cho biết đây là vé giả. Tôi gọi điện lại cho người bán vé thì không liên lạc được. Chỉ vì tham rẻ mà tôi mất trắng gần 7 triệu đồng. Đúng là già rồi mà vẫn dại” - anh Hùng than thở.

Thời gian qua, việc dùng vé khứ hồi, biển hiệu giả, vé điện tử giả để lừa khách hàng là những hành vi khá phổ biến của các đại lý vé máy bay “rởm”. Giống như gia đình anh Hùng, vợ chồng chị Lan Anh ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm khi mua vé khứ hồi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, chiều đi thì được mà chiều về lại không xong. Nguyên nhân là do vé điện tử mà phòng vé xuất cho vợ chồng chị tuy có thông tin tên, họ của hành khách, chuyến bay, thời gian bay... nhưng không hề có mã đặt chỗ. Gọi điện hàng chục cuộc đến phòng vé, chị Lan Anh vô cùng bức xúc vì không có ai nghe máy, nhờ người nhà đến tận nơi hỏi cho rõ ngọn ngành thì được chủ nhà cho biết phòng vé này đã dọn đi nơi khác được 3 ngày.

Cách đây không lâu, một đại lý bán vé máy bay tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bị hành khách khiếu nại vì đã bán hàng chục vé máy bay giả. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng cho biết thực ra đại lý này cũng chỉ là nạn nhân của những kẻ lừa đảo trên mạng. Ban đầu, chúng cử người đến  một số đại lý mới mở, quảng cáo sẽ cung cấp vé máy bay với giá rẻ hơn giá chính hãng. Thời gian đầu, để tạo lòng tin cho các đại lý, chúng chấp nhận lỗ, mua những vé thật và giao cho đại lý, đại lý giao cho khách bay “ngon lành”  rồi mới lấy tiền. Sau khi thấy “cá cắn câu”, những đối tượng này yêu cầu nhận tiền trước rồi giao vé sau, nhưng số vé do chúng cung cấp toàn là vé giả. Có thể nói khi các hãng hàng không triển khai hình thức bán vé qua mạng, bên cạnh những tiện ích không nhỏ do nó mang lại, thì tình trạng lừa đảo bán vé giả có xu hướng tăng.

Thông thường, muốn mua vé máy bay qua mạng, hành khách cần có thẻ tín dụng như Visa, Master… Sau khi giao dịch qua mạng thành công, ngân hàng phát hành thẻ tín dụng sẽ gửi thông báo chi tiết các giao dịch trong tháng tới chủ thẻ và yêu cầu thanh toán. Thời gian từ khi giao dịch thực hiện thành công cho đến khi chủ thẻ thanh toán tiền thường là 1 tháng. Lợi dụng khoảng thời gian này, bằng những cách thức khác nhau, những kẻ lừa đảo sẽ lấy cắp mã số thẻ tín dụng của những chủ thẻ. Sau đó, chúng dùng các thẻ đánh cắp này để mua vé máy bay hoặc các sản phẩm, dịch vụ được bán trên mạng.

Nên đến đại lý chính hãng

Theo bà Nguyễn Hoài Thu - chủ một đại lý bán vé máy bay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, hiện tượng đại lý máy bay “giả” tự nhận là đại lý của các hãng hàng không nổi tiếng đã từng xuất hiện ở một số địa phương. So với đại lý “rởm”, đại lý chính thức được trang bị bảng hiệu và giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn. Song bảng hiệu có thể làm giả, giấy chứng nhận không phải đại lý nào cũng trưng ra nên người dân rất dễ bị nhầm lẫn. Để tránh mua phải vé giả, người dân nên truy cập vào website của các hãng hàng không để mua vé hoặc kiểm tra danh sách các đại lý chính thức. Hành khách sau khi mua vé điện tử sẽ được phòng vé hoặc đại lý cung cấp Tờ hành trình và Phiếu thu tiền cước vận chuyển và phí dịch vụ. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Còn theo một đại diện Jetstar Pacific, một trong những nguyên nhân khiến đại lý và hành khách dễ bị “cắn câu” những kẻ lừa đảo là do chúng thường rao vé với giá rẻ hơn giá chính hãng từ 25% trở lên. Ngoài ra, loại vé này còn được quảng cáo là lộ trình bay của khách luôn được đáp ứng, kể cả trong mùa cao điểm như nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết Nguyên đán nên thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Khi mua vé điện tử, khách hàng cần lưu ý là vé máy bay điện tử được xuất từ hệ thống bán vé của hãng hàng không đều có mã đặt chỗ, thông tin chuyến bay, điều kiện vé và mã vạch. Khi có vé, khách hàng gọi điện đến tổng đài của hãng, đọc mã đặt chỗ, nhân viên trực sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, xác nhận tình trạng cho hành khách.

Đối với trường hợp mua vé thật từ thẻ tín dụng bị đánh cắp, thì một trong ba bên là chủ thẻ, ngân hàng và hãng hàng không sẽ bị mất tiền. Do những thẻ tín dụng này thường dùng để mua vé trước giờ khởi hành chỉ vài ngày, khi đó chủ thẻ vẫn chưa nhận được bản sao kê giao dịch. Khi hành khách đã hoàn thành chuyến bay, chủ thẻ mới biết và từ chối giao dịch với ngân hàng. Lúc này, chắc chắn một trong ba bên sẽ bị thiệt hại. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn gọi điện đến đại lý chính thức của các hãng hàng không với tư cách là khách hàng, đặt chỗ nhưng không mua vé, chỉ để lấy thông tin chuyến bay và mã số đặt chỗ, sao chép mẫu vé và tự tạo ra các thông tin khác trên vé để in ra vé điện tử giả.

Đối với khách hàng mua vé điện tử qua thẻ tín dụng, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ. Do đó, khách hàng cần bảo mật về các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của mình. Để tránh rủi ro, khách hàng chỉ nên thực hiện mua vé qua mạng ở các đại lý chính hãng có uy tín và trước khi xuất tiền, hãy kiểm tra lại một lần nữa về tư cách pháp nhân cũng như độ tin cậy của các đại lý bán vé máy bay, chớ nên tham rẻ mà mất cả chì lẫn chài…