Chịu nhiều tác động - ngành chăn nuôi gặp khó

(ANTĐ) - Những tháng đầu năm, lãi suất ngân hàng, tỷ giá giữa nội tệ và đồng đô la Mỹ tăng đã làm cho nông dân và doanh nghiệp vất vả đối phó. Giờ đây, xăng dầu rồi tới giá điện tiếp tục tăng lại làm cho họ thêm lo âu, bởi chi phí sản xuất ngày càng tăng trong khi hiện nay người chăn nuôi đã ở mức huề cho tới lỗ vốn.

Chịu nhiều tác động - ngành chăn nuôi gặp khó

(ANTĐ) - Những tháng đầu năm, lãi suất ngân hàng, tỷ giá giữa nội tệ và đồng đô la Mỹ tăng đã làm cho nông dân và doanh nghiệp vất vả đối phó. Giờ đây, xăng dầu rồi tới giá điện tiếp tục tăng lại làm cho họ thêm lo âu, bởi chi phí sản xuất ngày càng tăng trong khi hiện nay người chăn nuôi đã ở mức huề cho tới lỗ vốn.

Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn

Doanh nghiệp xoay trở khó khăn

Việc tăng tỷ giá, lãi suất trong thời gian qua bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán nếu không muốn phá sản. Tuy nhiên, khi giá tăng việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn vì nông dân thu hẹp sản xuất. Ông Trần Trung Nghĩa – Giám đốc công ty sản xuất thức ăn Đông Phương (huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết: “Đợt tăng tỷ giá mới đây, mỗi USD mua vào để thanh toán cho các lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tôi phải chi thêm khoảng 350 đồng”. Theo ông này, việc tăng giá xăng dầu sẽ làm giá thức ăn tiếp tục tăng, do tất cả các chi phí như: nhập khẩu, vận chuyển… đều được đưa vào chi phí sản xuất.

Theo ông Phạm Đức Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khoảng thời gian không xa, giá thức ăn công nghiệp sẽ tăng lên 3%. Thời gian tăng giá nhanh hay chậm là phụ thuộc vào khả năng dự trữ nguyên liệu của từng doanh nghiệp.

Về tác động của lãi suất ngân hàng, ông Nghĩa cũng cho biết, để hạn chế chi phí phát sinh do vay ngân hàng, doanh nghiệp ông phải sử dụng các chính sách khuyến khích đại lý trả tiền mặt thay vì gối đầu như thời gian trước.

“Nếu như trước đây mỗi tháng, doanh nghiệp tôi tiêu thụ được 1.000 tấn thức ăn các loại thì giờ đây lượng tiêu thụ đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 60%. Nguyên nhân là do người chăn nuôi thua lỗ nên họ ngừng sản xuất”, ông Nghĩa cho biết.

Nông dân lo lắng vì chi phí tăng nhanh

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, tỷ giá và lãi suất là hai yếu tố tác động mạnh nhất đến giá thức ăn trong thời gian qua, làm tăng giá bán lên hơn 10%, từ đó làm đội giá thành chăn nuôi lên trung bình từ 20 – 24%. Thế nhưng, từ đầu tháng 3 trở đi, khi giá điện, giá xăng dầu đều tăng, thì không chỉ giá thức ăn mà các chi phí khác cũng tăng theo.

Hiện nay, chi phí thức ăn chiếm đến 75% giá thành chăn nuôi, do vậy khi giá thức ăn chăn nuôi  liên tục tăng nông dân gặp rất nhiều khó khăn và hoang mang. Theo ghi nhận của người chăn nuôi, trong năm 2010 giá thức ăn chăn nuôi tăng 14 lần và chưa đầy 2 tháng đầu năm 2011 giá thức ăn đã tăng 3 lần, mỗi lần tăng 100 - 250 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Tùng – nông dân chăn nuôi gà ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) tâm sự: “Giá thức ăn chăn nuôi không biết sao cứ tăng liên tục đã làm cho giá thành sản xuất tăng lên thêm 2.300 đồng/kg. Tôi nuôi gà mà lúc nào cũng hồi hộp vì giá thức ăn càng tăng liên tục, nguy cơ thua lỗ càng cao, đó là chưa kể xảy ra dịch bệnh”.

Theo ông Tùng, các trang trại nuôi gà hiện nay phải sử dụng chuồng lạnh vào mùa nóng và dùng đèn sưởi ấm vào mùa lạnh nên sử dụng rất nhiều điện. Với việc giá điện tăng hơn 15% vào tháng 3 tới thì mỗi tháng người chăn nuôi phải bỏ thêm 1,5 – 2 triệu đồng. Trong khi đó, giá gà lông hiện nay đang thấp hơn giá thành đầu vào khoảng 7.000 đồng/kg, do đó việc điều chỉnh giá điện tăng thêm sẽ khiến nông dân khó cầm cự. “Bán gà đợt này chắc tôi không đầu tư tiếp, bởi càng nuôi càng lỗ. Tiền vốn đầu tư đem gửi ngân hàng kiếm vài triệu một tháng đỡ lo hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Đối với người nuôi cá tra, từ đầu năm 2011 đến nay, giá cá tra đang ở mức cao kỷ lục nhưng những người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa an tâm nuôi lại. Ông Nguyễn Văn Bé, nông dân nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) ngao ngán nói: “Thức ăn thủy sản dành cho cá tra loại 26% đạm đã tăng lên trên 10.000 đồng/kg. Nếu cộng thêm các yếu tố đầu vào khác như: con giống, hóa chất, nhân công, tỷ lệ hao hụt, lãi suất … giá thành nuôi cá tra khoảng 21.000-22.000 đồng/kg. Dù hiện nay, cá tra thịt trắng loại I thu mua tại ao có giá 23.500-24.000 đồng/kg; nhưng với tốc độ gia tăng giá thức ăn, lãi suất, … như hiện nay thì giá thành nuôi cá tra còn tiếp tục tăng và khi giá cá giảm người nuôi sẽ lỗ nặng”.

Tỷ giá tăng - giá trị gia tăng giảm

Trong suốt 3 năm qua, tỷ giá luôn biến động theo chiều hướng tăng, do đó về nguyên tắc thì các ngành hàng xuất khẩu được lợi. Tuy nhiên, theo ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy “bề nổi” của nó là kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản lại giảm đáng kể.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng tỷ giá chỉ hỗ trợ xuất khẩu khi nguồn hàng xuất khẩu được sản xuất phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nội địa. Còn những nông sản xuất khẩu như: tôm, cá tra… lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, có mặt hàng phụ thuộc  tới 70 – 80%, nên khi tỷ giá càng tăng thì sản phẩm càng đội thêm chí phí, rất khó cạnh tranh.

Nếu như cách đây 3 năm, 1kg cá tra philê xuất khẩu đi châu Âu có giá 2,6-2,8 USD/kg, trong khi giá thành sản xuất có 2,4 – 2,5 USD. Đến nay, nhờ thực hiện nhiều giải pháp giá xuất khẩu tăng thêm được 0,2 USD, nhưng giá thành cũng tăng lên gần 0,3 USD, do chi phí đầu vào (chủ yếu thức ăn) khâu sản xuất cá tra nguyên liệu liên tục tăng. Và khi giá đầu vào tăng, không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận, nhưng tăng giá thì sản lượng bán sẽ giảm. 

Thời gian qua, dưới tác động của tỷ giá, lãi suất ngân hàng, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, giờ đây lại thêm xăng dầu và tiếp tục đến giá điện tăng vào tháng 3 tới, tất cả mọi thứ đều làm giá thành sản xuất tăng lên. Do đó, trong thời gian tới cả doanh nghiệp và người chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, trong đó nông dân phải chịu nhiều tác động nhất, bởi “bão giá thức ăn chăn nuôi” vẫn ngày càng mạnh thêm.

Thành Công