Phó Thủ tướng Yongyuth Wichaidit từ chức:

Chính trường Thái Lan lại nổi sóng?

ANTĐ - Phó Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền Yongyuth Wichaidit vừa quyết định từ nhiệm tất cả các chức vụ đang nắm giữ trong nội các sau bê bối tham nhũng đất đai cách đây 10 năm liên quan đến cả cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. 

Ông Yongyuth Wichaidit được xem là nhân vật thân cận với Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Không ai ép buộc

Ông Yongyuth, 70 tuổi, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, đã bị Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan buộc tội phê chuẩn trái phép vụ bán lô đất ở tỉnh Pathum Thani thuộc sở hữu của hoàng gia cho một nhà đầu tư sân golf, vốn nằm dưới sự kiểm soát của công ty do ông Thaksin sở hữu, khi còn là Phó Thư ký Thường trực Bộ Nội vụ hồi năm 2002. Cuộc mua bán bị xem là bất hợp pháp bởi có một ngôi đền Phật giáo nằm trên diện tích của lô đất mà theo quy định không được mua bán hay chuyển giao đất thuộc sở hữu tôn giáo. Tuy nhiên, ông Yongyuth bác bỏ mọi cáo buộc trên.

Quyết định từ chức có hiệu lực vào ngày 1-10. Ông Yongyuth cho biết, không ai ép buộc ông từ chức và ông sẽ tiếp tục làm hết sức mình để hỗ trợ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, dù không giữ chức vụ nào. Mặc dù tự nguyện từ chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ, ông Yongyuth vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng vì nước Thái và là nghị sĩ của đảng này tại quốc hội. 

“Ông Yongyuth quyết định từ chức vì muốn chính phủ có thể tiếp tục làm việc vì người dân mà không bị xao nhãng bởi vấn đề nào khác”, phát ngôn viên của Đảng Vì nước Thái, Pormpong Nopparit, nói với hãng tin AFP. Trong khi đó, Phó phát ngôn viên chính phủ, ông Anusorn Iamsa-ard đã ca ngợi quyết định từ chức của ông Yongyuth, cho rằng ông đã hy sinh bản thân để giúp Chính phủ của bà Yingluck tiếp tục hoạt động trôi chảy. Ông      Anusorn cũng phủ nhận có sức ép từ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đồng thời yêu cầu phe đối lập không gây bất ổn cho đảng cầm quyền, và nên phối hợp với chính phủ để giải quyết các vấn đề của đất nước. 

Xoa dịu dư luận

Sau khi vừa trở về từ New York (Mỹ) tham gia khóa họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức cuộc họp báo ngay tại sân bay Suvarnabhumi hôm 29-9. Bà Yingluck Shinawatra đánh giá cao sự “hy sinh” của ông Yongyuth khi đưa ra quyết định từ chức và lấy làm tiếc vì đã mất một bộ trưởng có năng lực. Tuy nhiên, bà Yingluck khẳng định, bà không có ý định cải tổ nội các vào thời điểm này. 

Ngày 2-10, tờ Bưu điện Bangkok đưa tin, Phó Thủ tướng Chalerm Yubamrung đã được Thủ tướng Yingluck      Shinawatra chỉ định kiêm nhiệm vị trí của ông Yongyuth phụ trách Bộ Nội vụ trong cuộc họp nội các cùng ngày. Cũng trong ngày 2-10, bà Yingluck đã chỉ định Thứ trưởng Nội vụ Chuchart Harnsawat làm Quyền Bộ trưởng Nội vụ, đảm trách mọi công việc của bộ này. Đảng Vì nước Thái cho biết, quyết định từ chức của ông Yongyuth nhằm tránh gia tăng căng thẳng trong chính phủ, giữa lúc sự chia rẽ phe phái tiếp tục tạo nên những bất ổn trên chính trường Thái Lan. 

Theo nghị sĩ Ong-art Klampaiboon của đảng Dân chủ đối lập, ông Yongyuth phải ra đi do sức ép của đảng Dân chủ và quyết định của “một nhân vật có ảnh hưởng ở nước ngoài” nhằm “hy sinh” ông Yongyuth để cứu chính phủ. Nghị sĩ Ong-art có lẽ ám chỉ đến cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vì ông Yongyuth Wichaidit được xem là một trong những người tin cậy nhất của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai của bà, ông Thaksin Shinawatra. Trước khi từ chức, ông Yongyuth thậm chí từng thừa nhận công khai rằng, ông tìm kiếm lời khuyên từ ông Thaksin, và bày tỏ ủng hộ việc ban hành lệnh ân xá đối với cựu Thủ tướng đang sống lưu vong này. 

Do ông Yongyuth vẫn là nghị sĩ Quốc hội, cho nên, đảng Dân chủ sẽ cố gắng thu thập đủ chữ ký của 10% nghị sĩ theo luật để yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tư cách nghị sĩ của ông. “Nếu không làm gì sai trái, ông ấy sẽ không từ chức”, nghị sĩ Thaworn Yongyuth thuộc đảng Dân chủ nhận định. 

Khủng hoảng chính trị vẫn tiếp tục nhấn chìm Thái Lan kể từ năm 2006, khi Thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Sau khi ông Thaksin sống lưu vong ở nước ngoài, một số người thân cận tiếp tục đảm nhận một số vị trí quan trọng trong chính quyền mới của bà Yingluck. Việc ông Yongyuth bị cáo buộc tham nhũng có thể khiến chính trường Thái Lan, vốn không mấy êm đẹp này, thêm sóng gió. Nếu hành động thiếu kiên quyết, chính quyền của bà Yingluck dễ dàng gặp phải búa rìu dư luận và là thời cơ để phe đối lập tạo cớ lật đổ bà.