Chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ (bài 2): Chờ đợi làn sóng mới

ANTĐ - Những động thái gần đây của Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT và nhiều bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, công nghiệp hỗ trợ đang được ưu tiên phát triển hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề muôn thuở vẫn là chính sách bao giờ mới đi vào cuộc sống?
Chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ (bài 2): Chờ đợi làn sóng mới ảnh 1
Ưu đãi phát triển hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ưu tiên phát triển 

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp phụ trợ chiếm trên 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đóng một vai trò quan trọng, bởi đây là nền tảng để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Trên thực tế, quyết tâm của Chính phủ được thể hiện ở hoạt động kết nối, gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ do Bộ KH-ĐT tổ chức. Bộ Công Thương cũng xúc tiến tham vấn ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia về dự thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ để sớm ban hành. 

Theo ông Trương Thanh Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), đối tượng thụ hưởng chủ yếu của Nghị định là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều ưu đãi, đặc biệt là vay vốn với lãi suất thấp, nhằm mục tiêu hình thành chuỗi cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. “Các sản phẩm danh mục công nghiệp hỗ trợ rất đa dạng, riêng lĩnh vực ô tô có tới 24.000 linh kiện nên rất khó để liệt kê hết. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ linh hoạt trong việc xét duyệt ưu đãi. Bộ cũng sẽ bổ sung thêm các ngành công nghiệp cơ bản như: đúc, rèn, xử lý nhiệt, bề mặt vào danh mục công nghiệp hỗ trợ. Với ngành dệt may, nhu cầu công nghiệp hỗ trợ lớn nhưng chu kỳ ngắn nên sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ phi tài chính: Chuyển giao công nghệ, phí môi trường...”- ông Trương Thanh Hoài cho hay. 

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết thêm, nhiều địa phương đang có những hành động cụ thể quan tâm đến công nghiệp phụ trợ. Ví dụ, TP.HCM đã tìm cách liên hệ với Tập đoàn Intel, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cũng đang kết nối với các nhà sản xuất. Các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Nokia, Canon cũng đang tìm kiếm doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam để giảm chi phí vận chuyển, tận dụng lao động. Quan trọng hơn cả theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy cần tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đây là một làn sóng mới, coi công nghiệp phụ trợ là mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế. 

“Bước đi” phải phù hợp

Bà Trương Thị Mỹ Bình- Thành viên tổ soạn thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ cho biết, năm 2011, một Nghị định tương tự đã được ban hành, nhưng không hiệu quả bởi chủ yếu thực hiện theo cơ chế xin – cho. Doanh nghiệp cần gì phải đề xuất với cơ quan quản lý. 

Theo đại diện công ty Điện tử 4B, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng hiện nay chưa cụ thể và rất dàn trải, nếu không có ưu đãi rõ ràng thì doanh nghiệp sản xuất khó thụ hưởng. Doanh nghiệp Việt Nam hiện không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp FDI cùng ngành mà còn chịu thuế nhập khẩu máy móc thiết bị 2%, phải thuê chuyên gia nước ngoài đến chuyển giao công nghệ. “Doanh nghiệp Việt Nam muốn cung ứng được linh kiện cho các hãng sản xuất lớn phải đầu tư lớn hơn. Khi đó, chính sách hỗ trợ nên có sự phân loại để ưu đãi. Chúng tôi chưa bao giờ “sờ” được vào ưu đãi. Hy vọng chính sách có thể sớm đi vào thực tế” - đại diện Công ty Điện tử 4B kiến nghị.

Đã “chen chân” cung cấp được linh kiện cho Samsung và Canon, ông Trần Anh Cường - Công ty Bắc Việt chia sẻ, chính sách ưu đãi không nên tạo ra cơ chế xin - cho. Tham gia vào lĩnh vực này được gần 5 năm, nhưng Công ty Bắc Việt vẫn có thời điểm phải vất vả với lãi suất 24%/năm. 

Cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ lớn đã phải hội nhập nên theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị (Công ty ô tô Trường Hải), trong từng ngành nghề, cần có chính sách, chế tài để tìm được lối ra và đầu vào cho công nghiệp phụ trợ. Ví dụ, cần khuyến khích liên doanh với doanh nghiệp FDI theo hướng chuyển giao công nghệ, chia sẻ lợi nhuận. Quan trọng hơn, các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ phải được “biến” thành hành động ngay, để thúc đẩy phát triển công nghiệp nước nhà, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nội địa khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (năm 2015), tránh bị động trước sự tấn công ồ ạt của các sản phẩm và nhà sản xuất trong khu vực.