Chính sách “ngoại giao nghỉ dưỡng” của Tổng thống Mỹ Joe Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tận dụng kỳ nghỉ tại trại David để đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên với Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 quốc gia đang gác lại lịch sử đầy sóng gió khi đối mặt với những thách thức an ninh chung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại trại David ngày 18-8-2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại trại David ngày 18-8-2023

Củng cố quan hệ đồng minh

Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và những căng thẳng với Triều Tiên.

Ông Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo đồng minh tại nơi nghỉ dưỡng nằm ở dãy núi Catoctin (bang Maryland) để bàn về các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng, công nghệ và kinh tế. Họ sẽ thực hiện các bước để thiết lập đường dây nóng 3 chiều nhằm tham khảo ý kiến của nhau trong các cuộc khủng hoảng và sẽ chính thức hóa Hội nghị thượng đỉnh 3 bên như một sự kiện thường niên.

Cuộc tụ họp tại nơi nghỉ dưỡng mang tính chất riêng tư cũng làm nổi bật chính sách đối ngoại của ông Biden, đó là củng cố các liên minh nền tảng sau 4 năm đầy biến động của người tiền nhiệm. Sứ mệnh này đã được nhấn mạnh từ chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Biden và đang tiếp tục mở rộng sang cuộc tái tranh cử vào năm sau.

Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Biden đã tìm cách kéo các đồng minh châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Biden tiếp đón tại Nhà Trắng là Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ cũng đã tổ chức các cuộc gặp 3 bên ngay bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Madrid và tại G7 ở Hiroshima vào tháng 5-2023, nhưng hội nghị ở trại David sẽ là hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên của 3 nguyên thủ. Bản thân ông Biden cũng nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ và hợp tác cá nhân với lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản. “Tôi không nghĩ đã có lúc chúng tôi thân thiết hơn” - ông Biden tuyên bố khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Bầu dục vào tháng 1-2023.

Còn trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ vào tháng 4-2023, một điểm nhấn cá nhân đáng nhớ là Tổng thống Hàn Quốc ngân nga bài hát “American Pie” trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng. Đáp lại, ông Biden đã tặng ông Yoon Suk Yeol một cây đàn guitar có chữ ký của nhạc sĩ sáng tác bài hát đó. Đáng nói, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Hàn Quốc chuẩn bị tới Mỹ, cha của ông Yoon Suk Yeol đã qua đời nhưng chuyến đi vẫn diễn ra như lịch trình. Hội nghị diễn ra hôm 18-8 trong khung cảnh mộc mạc có thể mang đến cơ hội làm sâu sắc thêm những mối quan hệ cá nhân đó.

Địa điểm mang tính biểu tượng

Được biết, trại David đã được chọn “khá cẩn thận” làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản. “Địa điểm đó chỉ dành riêng cho những cuộc họp quan trọng nhất. Đây là nơi truyền tải những hình ảnh và biểu tượng chắc chắn về sự hòa giải, tình bạn và những khởi đầu mới… mà trại David đã gói gọn trong một thời gian dài”.

Nằm cách Washington chừng 90km, trại David đã trở thành nơi nghỉ dưỡng cá nhân cho các Tổng thống Mỹ bắt đầu từ đời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người đã gọi khu đất này là “Shangri-La”. Tổng thống Dwight D. Eisenhower sau đó đã đổi tên khu đất theo tên cháu trai của ông. Khi không ở Nhà Trắng hoặc một trong những ngôi nhà riêng ở Delaware, Tổng thống Biden và gia đình thường lui tới nơi nghỉ ngơi trong rừng này vào cuối tuần.

Hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Nhà Trắng tiếp đón các nguyên thủ nước ngoài tại khu nghỉ dưỡng trại David, địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán ngoại giao lịch sử của các Tổng thống trước đây. Thủ tướng Anh Winston Churchill là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm khu đất này vào năm 1943, gặp gỡ Tổng thống Roosevelt và cùng đi câu cá ở một trong những con suối trong khuôn viên.

Đây cũng là nơi tổ chức đàm phán dẫn đến Hiệp định trại David - hiệp định hòa bình lịch sử giữa Israel và Ai Cập trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter. Tổng thống Bill Clinton đã cố gắng đạt được một thỏa thuận hòa bình Trung Đông khác khi ông tiếp đón Thủ tướng Israel Ehud Barak và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại trại David vào năm 2000, nhưng những cuộc đàm phán đó cuối cùng đã không đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ gần đây nhất sử dụng địa điểm này để tổ chức hội nghị ngoại giao quốc tế là Tổng thống Barack Obama, ông đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8 tại đây năm 2012. Điều thú vị là trong Hội nghị G8 này, các nhà lãnh đạo đã cùng nghỉ giải lao để xem loạt đá luân lưu của trận chung kết Champions League giữa Chelsea và Bayern Munich.