Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành: Không cho đối tượng đầu cơ đất nông nghiệp trục lợi

ANTĐ - Dù đang rất nóng lòng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), nhường đất xây dựng sân bay Long Thành, nhưng với số hộ dân phải di dời lên tới gần 5.000 hộ, tỉnh Đồng Nai vẫn đang lúng túng vì không biết lấy tiền ở đâu. Tỉnh này đang đề xuất cơ chế đặc thù, xin ứng vốn Chính phủ theo từng giai đoạn để lấy tiền chi trả mặt bằng.

Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành: Không cho đối tượng đầu cơ đất nông nghiệp trục lợi ảnh 1Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành (Ảnh ACV)

15.000 người phải di dời

Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, theo kết quả điều tra khảo sát, sẽ có 4.730 hộ gia đình với gần 15.000 nhân khẩu thuộc 5 xã của huyện Long Thành bị ảnh hưởng bởi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đó, phần lớn người dân bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động (trên 9.500 người), số còn lại là dưới và ngoài độ tuổi lao động. Tổng diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong vùng dự án gần 3.000ha trong tổng số 5.000ha đất được thu hồi để xây dựng dự án sân bay Long Thành, còn lại là đất thuộc các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước.  

Hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư gồm Lộc An-Bình Sơn (diện tích trên 282ha) và khu tái định cư Bình Sơn (diện tích 282ha). Vị trí 2 khu tái định cư nằm phía Bắc của cảng hàng không quốc tế Long Thành. Những khu tái định cư này sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng và các công trình công cộng nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư ổn định cuộc sống. Tổng mức đầu tư 2 khu tái định cư xấp xỉ 5.400 tỷ đồng.

Với số tiền cần để GPMB, hỗ trợ gần 5.000 hộ dân quá lớn mà chỉ trong 3 năm phải hoàn thành công tác này, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện công tác GPMB, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, đồng thời cho phép áp dụng phương thức chỉ định thầu, giao UBND tỉnh tự tổ chức thẩm định, phê duyệt với 2 khu tái định cư Bình Sơn và Lộc An - Bình Sơn. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm để trình Thủ tướng.


Cơ chế hỗ trợ đền bù khác nhau

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đặt vấn đề, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề “tiền ở đâu” trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn. “Nếu ngân sách không đáp ứng được dòng tiền mà dự án yêu cầu thì phải nghĩ tới cách huy động vốn khác. Tỉnh nên nghĩ tới việc Nhà nước và nhân dân cùng làm, như phát hành một loại trái phiếu, tín phiếu mà 5.000 hộ gia đình thuộc diện di dời sẽ là những đối tượng mua các trái phiếu này. Ví dụ, đền bù 3 tỷ đồng thì đưa trước cho người dân 1 tỷ đồng, còn lại mua trái phiếu trả lãi, nhưng quyết định cuối cùng là người dân”, ông Trương Văn Phước đề xuất. 

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, Đồng Nai có đặc điểm rất thuận lợi, là tỉnh có nguồn thu điều tiết về Trung ương, riêng phần thu nội địa của Đồng Nai ước tính khoảng 12.000 tỷ đồng/năm (theo cơ chế nộp về Trung ương 51% - địa phương 49%).

 “Cơ chế như của anh Trương Văn Phước đề xuất rất hay, nhưng người dân khi phải di dời, bàn giao nhà cửa, đất đai cho dự án thì chỉ muốn nhận “tiền tươi thóc thật”, TS Trần Du Lịch băn khoăn. “Tỉnh Đồng Nai có thể xin Chính phủ cơ chế, phát hành trái phiếu theo tiến độ đền bù, hàng năm số vay phải trả bao nhiêu thì khấu trừ vào phần phải nộp Trung ương. “Mỗi năm mất vài nghìn tỷ đồng giảm đi nộp ngân sách khi có sân bay rồi thì Đồng Nai có nguồn thu cực lớn”, ông Trần Du Lịch đề xuất.

Liên quan đến chính sách đền bù, hỗ trợ cho gần 5.000 hộ dân chuyển đổi nghề nghiệp cũng được nhiều người quan tâm. Theo ông Trần Du Lịch, trong số gần 5.000ha đất phải thu hồi để làm sân bay Long Thành, ngoài đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở của các hộ gia đình, cần “lưu ý” một diện tích đất không nhỏ của các đối tượng đầu cơ, trục lợi.  

Tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ khác nhau, giá đất bồi thường thì theo quy định của Nhà nước, nhưng cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng, hộ dân thì nên phân loại”, ông Trần Du Lịch bày tỏ. Bên cạnh đó, lộ trình sử dụng 5.000ha đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng kéo dài hàng chục năm, trong thời gian chưa sử dụng, tỉnh Đồng Nai cần có phương án sử dụng đất sao cho không lãng phí.