Chính quyền Lybia lên tiếng về vụ bắt giữ thủ tướng Ali Zeidan

ANTĐ - Hãng thông tấn Lana của Lybia dẫn nguồn tin của phát ngôn viên bộ nội vụ cho hay, thủ tướng nước này Ali Zeidan bị bắt giữ bởi cục phòng chống tội phạm của bộ nội vụ vào hôm qua (10-10).
Nguồn tin này cũng cho biết thêm, thủ tướng Zeidan “vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt và được đối xử như một công dân Libya”. Hiện ông Zeidan đang bị giữ tại cục phòng chống tội phạm của bộ nội vụ. Trong khi đó, ủy ban phòng chống tội phạm quốc gia cho hay, ông Zeidan bị bắt do cáo buộc gây tổn hại tới an ninh quốc gia và tham nhũng.

Chính quyền Lybia lên tiếng về vụ bắt giữ thủ tướng Ali Zeidan ảnh 1
Thủ tướng Ali Zeidan


Trước đó, bộ trưởng tư pháp Salah al- Marghani cho truyền thông nhà nước biết, thủ tướng Zeidan đã bị bắt cóc tại thủ đô Tripoli vào sáng sớm 10-10 và xác nhận rằng ông Zedan bị các tay súng vũ trang bắt cóc ở khách sạn Corinthia.

Các cơ quan truyền thông Lybia đã công bố đoạn băng video về vụ việc, xuất hiện trên màn hình là thủ tướng Zeidan mặc một chiếc áo sơ mi màu be, ông đang cau mày khi bị áp giải bởi một nhóm người đàn ông mặc thường phục.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhóm “phòng tác chiến cách mạng Libya (ORLR)”, một phần của bộ nội vụ, tham gia vào mạng lưới an ninh Libya đã lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ bắt giữ vị thủ tướng 63 tuổi này.

Nhóm này cho hay, vụ bắt giữ nhằm “trả đũa” việc chính phủ của ông liên quan đến chiến dịch Mỹ bắt giữ tên Abu Anas al-Liby, nghi can hàng đầu thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại thủ đô Tripoli. “Vụ bắt giữ ông Zeidan xảy ra sau tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ - John Kerry về việc bắt giữ Abu Anas al-Liby cùng xác nhận chính phủ Libya biết rõ chiến dịch này”, phát ngôn viên ORLR nhấn mạnh.

Liby là tội phạm nằm trong danh sách truy nã gắt gao của FBI, bị buộc tội tham gia lên kế hoạch và thực hiện vụ đánh bom kép nhằm vào các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có nhiều công dân Mỹ năm 1988.

Đất nước Lybia đang chìm sâu vào bạo loạn, các vụ ám sát chính trị ngày càng tăng nhanh kể từ cuộc cách mạng lật đổ cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011.