Chinh phục học sinh bằng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người thầy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vượt lên những khó khăn bản thân với một nghị lực đáng khâm phục, thầy giáo Nguyễn Đức Trường, trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ học sinh không chỉ vươn lên trong học tập mà còn trong suốt chặng đường dài trưởng thành.

Mang thay đổi cho những học sinh nghèo

“Vượt qua rất nhiều khó khăn để có được hôm nay, tôi rất trân trọng hạnh phúc có được hiện tại” - thầy Nguyễn Đức Trường, trường THCS Đa Tốn, người thầy có 25 năm cống hiến cho ngành giáo dục Thủ đô với nhiều dấu ấn chuyên môn và đạo đức lối sống chia sẻ. Hạnh phúc đó không phải chỉ là những bằng khen, những tuyên dương, khen thưởng hàng năm cho thành tích nghiên cứu, giảng dạy của thầy mà hạnh phúc với thầy còn là ánh mắt ấm áp học trò dành cho thầy, là sự trưởng thành của các em dưới sự dìu dắt của người thầy với những bước chân không hoàn hảo.

“Trẻ con thường 9 tháng, 1 năm là biết đi nhưng những bước đi đầu tiên của tôi là vào năm 7 tuổi. Đó là hạnh phúc dù phải mất rất nhiều nỗ lực để đạt được” - thầy Nguyễn Đức Trường chia sẻ. Di chứng từ chất độc da cam khiến đôi chân của thầy khá yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, không tự ti, mặc cảm vì hình thức của mình, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã từng bước tự mình chinh phục ước mơ trở thành thầy giáo, mang lại kiến thức, thay đổi cuộc sống của những con em quê hương mình.

“Dù sức khỏe yếu nhưng từ những câu chuyện cha tôi, một người thầy kính mến thường rỉ rả cho tôi suốt thời nhỏ đến khi học phổ thông, tôi đã hun đúc niềm say mê trở thành thầy giáo và hơn thế nữa phải là người thầy hoàn toàn thuyết phục được học trò bằng trí tuệ và tấm lòng” - thầy Trường nhớ lại ước mơ thuở nhỏ nay đã trở thành hiện thực.

Nhiều năm liên tục, thầy Nguyễn Đức Trường luôn đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đã được các cấp công nhận: 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. Thầy cũng đóng góp nhiều bài báo chuyên ngành và tham gia biên soạn hơn 30 đầu sách về giảng dạy môn Toán.

Kiên trì, lặng lẽ, từng bước một, thầy Nguyễn Đức Trường đã đem đến bao thay đổi cho những học sinh nghèo ngay trong xã Đa Tốn, quê hương thầy. Chị Nguyễn Thị Mai Anh, học sinh cũ của thầy Nguyễn Đức Trường luôn trân trọng 2 cuốn sách được thầy giáo Nguyễn Đức Trường tặng từ năm 2001.

Sau gần 20 năm, cuốn sách vẫn theo chị qua nhiều chặng đường học tập và trưởng thành. Chị Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thầy Trường là một nhà giáo có một tâm hồn đẹp và năng lực truyền thụ kiến thức rất hiệu quả với nhiều học sinh. “Khi còn là học sinh của thầy, tôi được thầy dạy học thêm miễn phí. Tôi hỏi thầy vì sao thầy không thu học phí của em nhưng thầy chỉ cười và nói kết quả học tập của tôi là cách tốt nhất để trả công cho thầy” - chị Mai Anh nhớ lại.

“Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ tôi sức khỏe lại yếu. Khi đi thi đại học ở Hà Nội, mẹ tôi không thể đưa đi nhưng thầy Trường biết và nhận lời sẽ đưa tôi đi thi. Một thầy giáo cấp 2 đưa học trò cũ đi thi đại học bằng chiếc xe máy cũ dù sức khỏe bản thân không tốt là hình ảnh khích lệ tôi vượt qua mọi khó khăn để học tập và làm việc. Đến hôm nay tôi vẫn muốn nói với thầy giáo của tôi, thầy là động lực để em vươn lên và em cảm ơn thầy rất nhiều” - chị Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ.

Còn với thầy, món quà thầy Nguyễn Đức Trường nhận được chính là chiếc cặp tự tay cô học trò khâu được bằng những tấm vải cô thu thập trong những ngày làm thêm khi học lớp của thầy và hơn nữa là sự thành đạt của cô học trò cũ hiện giờ.

Thầy giáo Nguyễn Đức Trường và các em học sinh trường THCS Đa Tốn

Thầy giáo Nguyễn Đức Trường và các em học sinh trường THCS Đa Tốn

Đi đầu trong sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục

Đối với học trò, sự tận tụy và yêu thương của thầy Nguyễn Đức Trường được ghi nhận qua nhiều lớp học sinh. Còn đối với đồng nghiệp, sự cảm phục về chuyên môn và lối sống luôn được cán bộ giáo viên trường THCS Đa Tốn và nhiều thầy cô trong và ngoài huyện Gia Lâm công nhận.

“Thầy Trường về mặt sức khỏe rất thiệt thòi, chân thầy rất yếu nhưng trong cuộc sống gia đình và trong công tác thầy vượt qua mọi khó khăn, luôn luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ. Thầy rất tâm huyết với nghề dạy học, đặc biệt là công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Liên tục năm nào thầy Trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện và thành phố” - thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS Đa Tốn cho biết.

Di chứng từ chất độc da cam khiến đôi chân của thầy khá yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, không tự ti, mặc cảm vì hình thức của mình, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã từng bước tự mình chinh phục ước mơ trở thành thầy giáo, mang lại kiến thức, thay đổi cuộc sống của những con em quê hương mình.

Nhiều năm liên tục, thầy Trường luôn đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đã được các cấp công nhận: 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. Thầy cũng đóng góp nhiều bài báo chuyên ngành và tham gia biên soạn hơn 30 đầu sách về giảng dạy môn Toán.

Với những đóng góp này, thầy giáo Nguyễn Đức Trường liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Năm 2017, thầy Nguyễn Đức Trường được Sở GD-ĐT Hà Nội tặng Giấy khen về thành tích xuất sắt trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, mới đây nhất là Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Tháng 9 năm nay, thầy giáo Nguyễn Đức Trường trở thành một trong 10 cá nhân đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.