Việt Nam xuất khẩu game sang thị trường Nhật Bản:

Chinh phục “giấc mơ hoa Anh Đào”

ANTĐ - Người Nhật nổi tiếng là những khách hàng khó tính và đòi hỏi chất lượng rất cao. Vậy mà họ đã “phải lòng” một sản phẩm số hóa đến từ Việt Nam.

Ảnh: Internet

VNG - doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung số thành công tiêu biểu nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2012, vừa chính thức xuất khẩu game Galaxy Pirates vào thị trường Nhật Bản. Sản phẩm được xuất khẩu thông qua mạng xã hội Yahoo!Mobage. Với Galaxy Pirates, “giấc mơ hoa Anh Đào” của đội ngũ kỹ sư phần mềm người Việt ở VNG đã thành hiện thực. Bởi, người Nhật nổi tiếng là những khách hàng khó tính và đòi hỏi chất lượng rất cao trong mọi sản phẩm. Hơn 60% người sử dụng Internet tại Nhật Bản dùng thời gian của mình vào việc chơi game online, thế nhưng họ rất khắt khe với những chi trả nếu sản phẩm đó không chất lượng. Để mỗi sản phẩm tiếp cận và được họ chấp nhận là điều không dễ dàng.

Trò chơi Galaxy Pirates thiết kế từ đầu với mục tiêu nhắm vào đúng thị hiếu, thói quen của khách hàng Nhật Bản. Với tiền lệ này, VNG thiết lập một quy luật mới mẻ cho nền công nghiệp game Việt Nam: xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trước rồi sau đó mới phát hành phiên bản cho thị trường nội địa. Các nhà sản xuất cho biết, Galaxy Pirates là sự kết hợp của 2 thể loại đang rất thịnh hành ở Nhật Bản: Card Battle Game và Tower Defense. Cốt truyện của Galaxy Pirates xoay quanh xung đột giữa 3 thế lực Thorth - Human Robot, Sekmeth - Quái vật Cyborg và Valkyries - Mecha Girl, nữ chiến binh xinh đẹp để dành quyền lợi từ nguồn năng lượng Stella quý giá trong thiên hà.

Sau 7 tháng ròng rã nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ kỹ sư giỏi người Việt Nam, VNG tự hào xuất xưởng Galaxy Pirate sang Nhật, được đối tác DeNA “đánh giá cao và sẽ hỗ trợ hết mình trong việc quảng bá game đến khách hàng Nhật Bản”. Công nghệ sản xuất game của VNG đã tiến lên thêm một bước, từ những ngày đầu mày mò làm Thuận Thiên Kiếm cho đến thành công của Sky Garden, và hiện tại là Galaxy Pirates chinh phục thị trường Nhật Bản kỹ tính. Nằm trong chiến dịch “đem game đi đấm xứ người” lần này, VNG khẳng định vị thế sản phẩm Game do người Việt nghiên cứu và phát triển trên trường quốc tế trong năm 2013. Giữa bối cảnh một năm kinh tế với khá nhiều khó khăn và thách thức, thì VNG vẫn đạt được thành công dành cho sản phẩm ứng dụng công nghệ và xuất khẩu được sản phẩm giải trí trực tuyến mang thương hiệu Việt ra nước ngoài, là một hiện tượng đáng chú ý. VNG cũng là doanh nghiệp sở hữu Zalo - ứng dụng tin nhắn miễn phí số 1 Việt Nam, với hơn 1 triệu người dùng sau vài tháng ra mắt. Bởi vậy, VNG tin rằng, năm 2013 sẽ là năm khởi sắc cho thị trường sản phẩm dành cho mobile cùng sự đóng góp sôi nổi từ các công ty trong ngành công nghệ thông tin - truyền thông.