Chính phủ ban hành hơn 10 Nghị quyết chỉ đạo cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã có hơn 10 Nghị quyết có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây được xem là nỗ lực hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa

Nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa

Sáng nay (9-12), Bộ KH-ĐT đã tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2022.

Bộ KH-ĐT cho biết, ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, và có thêm niềm tin vào một môi trường kinh doanh an toàn và sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhờ vậy, trong 10 tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cụ thể, về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022, Bộ KH-ĐT cho biết đã có một số chuyển biến. Một số thông tư, thủ tục được cắt giảm, sửa đổi, đơn giản hóa tạo điều kiện thúc đẩy thông quan nhanh; xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đáng chú ý, một số bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như: TP HCM điều chỉnh đối tượng, mức thu phí hạ tầng khu vực cảng biển theo hướng miễn, giảm mức phí với một số đối tượng; Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; Bộ GTVT đề xuất gia hạn thời gian giảm phí sử dụng đường bộ.

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận “Một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC… Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các Bộ, ngành, địa phương, cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129.6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Dù vậy, Bộ KH-ĐT cũng thẳng thắn đánh giá, cải cách có dấu hiệu “trùng xuống”. Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng.

"Đây là thời điểm rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì mức độ quan tâm của Bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng"- Bộ KH-ĐT cho biết.

Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm.

So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

Từ thực tế trên, Bộ KH-ĐT kiến nghị: “Các Bộ, ngành, địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử".