Chiếc túi thất lạc

ANTĐ -Trong ký ức của chúng tôi, giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và thời kỳ bao cấp sau này là thời điểm cực kỳ khó khăn và thiếu thốn. Nhưng những con người thời ấy lại sống với nhau nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác một cách vô tư, không tính toán. Kể cả với những người không quen biết.

Đó là câu chuyện của gia đình tôi.

Đang trong lúc sơ tán ở gần thị xã Bắc Ninh (bấy giờ thuộc tỉnh Hà Bắc) thì cậu em tôi nhận được giấy báo nhập học và phải về gấp. Thanh niên mới lớn, vốn tính đểnh đoảng, tôi phải đưa lên tận xe, dặn dò đủ kiểu, đưa cho cả chiếc kim băng và dặn giấy tờ tem phiếu phải để trong túi áo ngực, rồi cài kim băng lại. Cho chắc.

Nhưng rồi có sự cố hy hữu, khi xe “tăng bo” qua cầu Đuống, toàn bộ hành khách phải xuống đi bộ, sang bờ bên kia mới được lên xe. Lúc đó, có hai chiếc xe giống hệt nhau (chỉ khác biển số) qua cầu cùng một lúc. Chả hiểu thế nào, cậu em tôi lên nhầm xe khác. Khi đi được một đoạn mới tá hỏa vì không tìm thấy cái túi đâu. Trong túi đựng đủ thứ từ quần áo, sách vở, quan trọng nhất là tem phiếu.

Xuống tới bến, trong lúc còn thẫn thờ, ngơ ngác thì bỗng có ai đó vỗ nhẹ vào vai. Giật mình quay lại, cậu em tôi nhận ra là người phụ nữ ngồi cạnh trên chuyến xe ban đầu. Người phụ nữ nhỏ nhẹ “Lên xe thấy trống chỗ, mà cái túi của cậu vẫn ở gầm ghế, tôi biết ngay cậu lên nhầm xe. Bởi thế, tôi phải cầm cái túi cho cậu và ngồi chờ ở đây, vì biết, thế nào cậu cũng đi tìm”.

Em tôi nhận lại cái túi, mừng rỡ chỉ kịp cảm ơn mà quên khuấy hỏi địa chỉ và tên tuổi người phụ nữ đó. Từ ngày đó đến nay, gần 40 năm trôi qua, mỗi lần nhắc tới chuyện này, cả gia đình tôi vẫn xúc động xen lẫn nỗi ân hận, vì chưa một lần được trực tiếp cảm tạ người phụ nữ tốt bụng kia.