- Doanh nghiệp là cầu nối nông dân với thị trường
- Bán rau quả thu về 2,5 tỷ USD
- Sẽ xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản
Sau chuyến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp và dự lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam (ngày 2-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
Giải bài toán phát triển nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chính là lời giải cho bài toán cho nông nghiệp Việt Nam. Bởi hiện nay, nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đang chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác, khiến hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giải bài toán nông nghiệp của Việt Nam, cần có sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp. Vì vậy, Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây để có một nền nông nghiệp thông minh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, lời giải nữa cho bài toán nông nghiệp là mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn, chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp và tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao.
Đối với gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với mức lãi suất ưu đãi phù hợp, có thể thấp hơn cả mức 7%/năm.
Để triển khai những bước đi chiến lược trên thì yêu cầu về vốn là hết sức cần thiết. Do đó, Thủ tướng yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng thương mại. Thực hiện yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, cam kết dành nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Thông tin về việc thực hiện yêu cầu liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các đơn vị liên quan để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể xác định các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghê cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch làm căn cứ cho các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình tín dụng này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm nắn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên”.
Các ngân hàng hưởng ứng
Liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay, theo Nghị định 55 của Chính phủ, đối tượng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhất 7%/năm. Tuy nhiên, đối với gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay với mức lãi suất ưu đãi phù hợp, có thể thấp hơn cả mức 7%/năm.
Từ phía các ngân hàng thương mại, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đã sẵn sàng dành nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã định hướng triển khai dòng vốn ưu đãi cho lĩnh vực này từ năm 2016. Đơn cử như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch.
Theo đó, khách hàng sẽ được giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Trên thực tế, Agribank cũng đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam, Đồng Nai)...
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, LienVietPostBank quyết định dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất.
Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi sẽ thấp hơn lãi suất thị trường 0,5%-1%/năm, thời hạn vay vốn đến 10 năm tùy thuộc từng loại cây trồng, thời gian ân hạn là 5 năm. Ngoài ra, LienVietPostBank còn hỗ trợ tiền tư vấn kỹ thuật công nghệ cao cho các hộ nông dân vay vốn với các ưu đãi phù hợp khác.
Phấn khởi trước thông tin về gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Mạnh Thắng - chủ một doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch tại Hải Dương cho biết: “Giai đoạn trước đây, các ngân hàng khá dè dặt khi cho vay về nông nghiệp do không phải chuyên về lĩnh vực này.Để cho vay cần có bộ phận chuyên nghiệp để đánh giá hiệu quả dự án nhưng nhiều ngân hàng chưa có bộ phận này. Mặt khác, liên quan tới vấn đề tài sản thế chấp, ngân hàng cũng gặp khó khi đánh giá những cơ sở vật chất mà doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hy vọng cùng với chính sách mới, các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn trong việc thẩm định và chấp nhận một phần rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Tiếp nhận thông tin về gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực này khẳng định sẽ nỗ lực tiếp cận nguồn vốn để mở rộng đầu tư, tăng nguồn cung sản phẩm. Một số doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp an toàn hiện nay rất lớn, nếu nút thắt nguồn vốn được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư để đáp ứng nhu cầu từ thị trường trong nước cũng như tìm hướng xuất khẩu.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nguồn vốn từ ngân hàng thực sự đến được với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì cần phải có cầu nối. Và Chính phủ cần đứng ra để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng thông qua hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Đây là bước đi quan trọng vì đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thường là doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa có một quá trình hoạt động lâu dài và chưa có tài sản đảm bảo.