Chỉ rõ tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả công tác điều tra

ANTD.VN - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội xác định rõ yêu cầu này với chỉ huy các đơn vị, địa bàn, tại hội nghị giao ban Cơ quan CSĐT Quý III-/2016, tổ chức chiều 6-10.

Khắc phục ngay các khuyết điểm

Chủ trì buổi họp giao ban, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu: “Không đọc báo cáo, vì tài liệu đã chuyển hết đến từng chỉ huy đơn vị. Trong cuộc giao ban này, chúng ta đi vào thẳng vấn đề; phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thiếu sót, những việc làm được và đặc biệt là chưa làm được; lý do vì sao, biện pháp khắc phục như thế nào”.

Theo đó, các vấn đề trọng tâm, liên quan đến tin báo tố giác tội phạm; chế độ thực hiện công tác quản lý hồ sơ, tạm giam, tạm giữ; hay quy định về việc phối hợp giữa các đơn vị trong khối CQĐT, giữa Công an các địa bàn khi điều tra vụ án...đã được đồng chí Phó Giám đốc định hướng, yêu cầu các đơn vị tập trung thảo luận.

Với nội dung trình bày CAQ Hai Bà Trưng về quy trình xây dựng kế hoạch điều tra, chế độ thông tin báo cáo, công tác chỉ huy, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; Phó Giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Nguyễn Duy Ngọc đề nghị đồng chí Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng báo cáo khái quát, ngắn gọn, xúc tích; nhất là phải thấy được điều gì cần rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc (đứng giữa) cùng chỉ huy một số đơn vị kiểm tra tang vật thu giữ trong vụ án hình sự

Tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân hay tập thể; và phải đưa ra biện pháp khắc phục, cũng đã được Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh đối với những nội dung báo cáo, trao đổi của chỉ huy CAQ Cầu Giấy (về công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện; ngăn ngừa, xử lý, điều tra, bắt giữ các vụ án có liên quan đến hoạt động kinh doanh này); với chỉ huy CAH Mê Linh (về công tác quản lý tạm giữ, xử lý đối tượng vi phạm tại trụ sở, phòng ngừa xảy ra sai phạm)…Đối với nội dung trình bày của  CAH Đan Phượng về công tác tiếp nhận, xác minh, điều tra đơn thư tố giác tội phạm; Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: “Không chấp nhận bất cứ đơn vị nào để đơn thư tố giác tội phạm tồn đọng, kéo dài. Cần xác định lỗi này là do ai? Chỉ có thể là chỉ huy của các đơn vị từ cấp phường, đồn, trạm đến quận, huyện...”.

Cũng tại buổi giao ban, một số đơn vị như Văn Phòng Cơ quan CSĐT, Phòng Kỹ thuật hình sự, Phòng Tổ chức, Thanh tra...lần lượt báo cáo, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, địa bàn trong công tác nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...

Không được chủ quan ngay cả khi chưa sai sót

Với tinh thần dứt khoát, quyết liệt, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện những Kế hoạch mà CATP xây dựng, triển khai. “Riêng trong quý III, có bao nhiêu văn bản chỉ đạo của đồng chí Giám đốc, các đồng chí Phó Giám đốc ký, ban hành; yêu cầu các đơn vị phải đối chiếu, đánh giá việc thực hiện. CATP sẽ lấy đó làm thước đo đánh giá kết quả của các đơn vị trong công tác điều tra, khám phá án, đấu tranh phòng chống tội phạm”, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu, và khẳng định: “Không được chủ quan khi chưa gặp phải sai sót. Mục đích cao nhất là phải ngày càng hoàn thiện bản thân, thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ. Tất cả đều trên tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Phó Giám đốc CATP Hà Nội biểu dương các đơn vị trong Quý III đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối ANCT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm; tỷ lệ điều tra khám phá án, nhất là trọng án đạt 100%. Trên mọi lĩnh vực đều có những thành tích đáng ghi nhận; được nhận Thư khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo các cấp, và nhân dân...Những kế hoạch, phương án đảm bảo ANTT đều được triển khai hiệu quả. Người dân an tâm khi được sống, du lịch, thăm quan...ở một Hà Nội bình yên.

Dự báo xu hướng tình hình tội phạm trong thời gian tới, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu, phân tích 10 vấn đề liên quan đến tính chất, hoạt động của tội phạm có ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ANTT. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cũng chỉ rõ tính chất phức tạp ngày càng gia tăng của các đối tượng, vụ án; từ đó đòi hỏi nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, pháp luật, công tác điều tra của từng điều tra viên, chỉ huy đơn vị phải ngày càng được nâng cao.

Tăng cường tính thống nhất trong hành động

Giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa bàn trong thời gian từ nay đến cuối năm, Phó Giám đốc Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu chỉ huy, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT của từng đơn vị phải rà soát lại những văn bản, kế hoạch; đánh giá kết quả, sự tham gia của các cấp cơ sở, quần chúng nhân dân để tiếp tục có kế hoạch triển khai hiệu quả những yêu cầu nhiệm vụ trong từng lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đánh giá lại từng quy chế, qua đó kiến nghị có cần phải điều chỉnh, ban hành quy chế mới hay không, để có được tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng được đồng chí Phó Giám đốc chỉ rõ, là chỉ huy các cấp phải coi trọng công tác điều tra nghiệp vụ cơ bản. “Nếu chúng ta làm tốt công tác điều tra cơ bản thì sẽ nhận diện rõ được tội phạm cũng như những tác nhân, diễn biến dẫn đến tội phạm…để có đối sách phù hợp. Đây cũng là tiền đề, nền tảng để phục vụ cho công tác điều tra các vụ án sau này”, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Trên lĩnh vực chấp hành pháp luật, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Thủ trưởng của đơn vị phải trực tiếp xem xét kỹ từng chi tiết, nội dung hồ sơ vụ án, để vừa bảo đảm tiến độ, vừa đúng người đúng tội và tránh oan sai. Bên cạnh đó, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện đúng quy định, quy định pháp luật, trên cơ sở cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như đảm bảo tuyệt đối ANCT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô…

Thống kê những tin báo, vụ việc từng điều tra viên phải giải quyết trong một năm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc bày tỏ sự trân trọng, cảm thông những vất vả, khó khăn của từng CBCS cũng như điều tra viên. Tuy nhiên, đồng chí Phó Giám đốc cũng nhấn mạnh: mọi tin báo phải được giải quyết sớm, triệt để. Theo đồng chí Phó Giám đốc, sự chia sẻ, thấu hiểu, động viên giữa chỉ huy đối với từng CBCS là hết sức quan trọng, để thúc đẩy, nâng cao tinh thần làm việc. Chỉ huy đơn vị phải xây dựng khoa học quy trình công tác để CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ, phòng ngừa vi phạm, sai phạm cũng như phát huy được sức mạnh, năng lực của từng CBCS…