Chỉ nông dân chịu thiệt

(ANTĐ) - Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân luôn chú ý chăm lo, tập trung chi phí cho các yếu tố đầu vào mà phân bón là thứ không thể thiếu của chu trình đó. Hiện nay, cung phân bón dồi dào và vẫn lớn hơn cầu. Vậy mà có một nghịch lý vẫn tồn tại: Nạn phân bón giả tràn lan gây khó khăn cho nhà nông.

Chỉ nông dân chịu thiệt

(ANTĐ) - Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân luôn chú ý chăm lo, tập trung chi phí cho các yếu tố đầu vào mà phân bón là thứ không thể thiếu của chu trình đó. Hiện nay, cung phân bón dồi dào và vẫn lớn hơn cầu. Vậy mà có một nghịch lý vẫn tồn tại: Nạn phân bón giả tràn lan gây khó khăn cho nhà nông.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về công tác kiểm tra phân bón năm 2008, qua lấy mẫu kiểm tra tại 22 tỉnh, thành trên toàn quốc cho thấy kết quả gần 50% số mẫu phân bón kém chất lượng. Một số địa phương có tỷ lệ phân bón kém chất lượng trên 50% như Trà Vinh (57,14%), Bến Tre (67,64%), Phú Yên (75%), Ninh Thuận (60%), Đồng Nai (65%).

Cuối tháng 6-2009 vừa qua, Đội 3A - Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an TP.HCM phát hiện vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả lớn nhất từ đầu năm đến nay với số lượng tạm giữ ban đầu lên đến hơn 400 tấn. Cơ sở này đã chế biến phân bón giả gồm nhiều loại ghi xuất xứ từ... nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Israel.

Theo Trung tâm Thông tin phát triển NN&NT, tại tỉnh Kiên Giang, trung bình cứ 10 mẫu phân bón được kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có tới 7 mẫu không đạt chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 700 cơ sở kinh doanh phân bón nhưng lực lượng thanh tra lại chỉ có 6 người, kiểm tra không xuể nên hàng giả vẫn tung hoành, ước tính mỗi năm nông dân Kiên Giang bị móc túi khoảng 15 tỷ đồng từ phân bón kém chất lượng.

Theo nhận định, hiện công tác kiểm tra đang có hiện tượng chồng chéo mà hiệu quả không cao. Bình quân mỗi làng, xã ở Việt Nam là có 1-2 đại lý bán phân bón, và họ thường bán kèm nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là “kênh” để phân bón trực tiếp đến tay người nông dân, nhưng công tác kiểm tra ở khâu tiêu thụ này còn đang bị bỏ ngỏ. Đáng lo ngại là kiến thức về phân bón của nông dân rất ít...

Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mức phạt quá nhẹ đang khiến các doanh nghiệp làm ăn gian dối “nhờn thuốc”. Chỉ bị phạt hành chính tối đa 20 triệu đồng, số tiền này quá nhỏ so với lợi nhuận thu được, lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không bị thu hồi giấy phép kinh doanh.  Do đó, những doanh nghiệp này sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt, thậm chí tái phạm.

Phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ gây thiệt hại tiền của cho người nông dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng nông sản và ô nhiễm môi trường. Vấn đề đã nhiều lần được đặt lên bàn hội nghị, song dường như, qua mỗi lần bàn bạc nó lại chìm xuống, thiệt thòi vẫn chỉ nông dân phải gánh chịu.

Ngân Tuyền