Chết do làm việc quá sức

ANTD.VN - Vào tháng 4 năm ngoái, Matsuri Takahashi, một nữ sinh viên đầy triển vọng tốt nghiệp Đại học Tokyo (Nhật Bản), đến làm việc tại Dentsu, một trong những công ty quảng cáo danh tiếng của nước này. Chín tháng sau đó, Takahashi nhảy lầu tự tử. Vụ việc làm dấy lên những bất bình trong công chúng về việc cô đã phải làm việc quá sức. 

Mẹ Takahashi cùng luật sư tại buổi họp báo ở Bộ Y tế Nhật Bản hôm 7-11

Làm thêm 105 giờ trong một tháng

Bộ Lao động Nhật Bản tháng trước đã xác định cái chết của cô gái 24 tuổi này là “karoshi”, nghĩa là “chết do làm việc quá sức” và kiểm tra công ty Dentsu Inc, để xác định xem liệu tình trạng lạm dụng làm việc quá sức có phổ biến trong công ty này. Đối với nhiều người Nhật Bản, cái chết của Takahashi là hậu quả bi thảm của Điều 36 Luật Lao động Nhật Bản, vốn cho phép người sử dụng lao động trả thêm tiền hoặc giới hạn giờ làm thêm của người lao động.

Lỗ hổng đó có thể được khỏa lấp khi Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay vào một chiến dịch trên diện rộng để cải cách Luật Lao động của Nhật Bản, có thể bao gồm các quy định làm thêm giờ khắt khe hơn đối với các công ty.

“Pháp luật không ngăn cấm các công ty yêu cầu nhân viên làm việc vượt quá giới hạn thời gian phù hợp”, Emiko Teranishi, người đứng đầu nhóm các gia đình đối mặt với karoshi nói. “Các công đoàn cũng phải có trách nhiệm vì họ chấp nhận những điều kiện này”.

Những nhóm như vậy nói rằng, các công ty thường đe dọa nhân viên, đặc biệt là nhân viên mới, ép họ làm việc quá sức để chứng tỏ giá trị của mình.

Sách Trắng đầu tiên của Nhật Bản về karoshi công bố hồi tháng trước cho thấy 22,7% trong số 1.743 công ty được khảo sát có nhân viên trong năm qua đã làm thêm hơn 80 giờ trong một tháng. Trong vụ việc của Takahashi, một bản tóm tắt được luật sư gia đình cung cấp, trích dẫn từ báo cáo của Chính phủ cho biết, Takahashi đã làm thêm 105 giờ trong tháng 10-2015 và rơi vào trầm cảm một tháng sau đó. 

Nhật Bản đã chính thức công nhận hai loại karoshi: tử vong do bệnh tim mạch liên quan đến làm việc quá sức, và tự tử do căng thẳng tinh thần liên quan đến công việc. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2015, tại Nhật Bản có 93 vụ tự tử và có ý định tự tử do làm việc quá sức, giảm so với 99 vụ trong năm tài khóa trước đó.

Số tử vong do bệnh tim mạch liên quan đến làm việc quá sức đã giảm từ 121 xuống còn 96 trường hợp. Bộ trưởng Lao động Yasuhisa Shiozaki mới đây cho biết, ông muốn tăng cường theo dõi việc thực hiện làm thêm giờ của các công ty và Bộ này sẽ quyết định hình phạt đối với Dentsu dựa trên kết quả của cuộc điều tra. Một luật mới áp đặt các giới hạn pháp lý đối với giờ làm thêm cũng có thể được xem xét. 

Có thể bị truy tố

Tuy nhiên, trong nền kinh tế ủng hộ mạnh mẽ người sử dụng lao động của Nhật Bản, việc thay đổi quy định làm thêm giờ, nếu có, có khả năng gặp phải những thách thức. Nhật Bản, một trong những con hổ kinh tế sớm nhất của châu Á, từ lâu đã nổi tiếng với tinh thần làm việc chăm chỉ và chấp nhận hy sinh.

Các nhân viên thường cảm thấy biết ơn vì được tuyển dụng, không muốn bỏ đi ngay cả khi điều kiện kém. Những người khác cảm thấy họ phải làm việc nhiều giờ hơn so với các đồng nghiệp của họ để được thăng tiến.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã sửa đổi Luật Lao động để khuyến khích giờ làm việc ngắn hơn, nhưng các nhà phê bình nói rằng, những bước này dựa quá nhiều vào việc các công ty tự quy định. “Nhiều công ty hy vọng nhân viên trẻ làm việc nhiều giờ để học các kỹ năng mới”, Yasuko Oshima, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho chuyên về chính sách lao động cho biết. “Các công ty đã cắt giảm chi phí lao động từ những năm 1990, làm tăng gánh nặng công việc lên mỗi cá nhân”. 

Trường hợp tự tử của Takahashi không phải là lần đầu tiên tại công ty Dentsu. Tòa án tối cao ra phán quyết hồi năm 2000 rằng công ty này phải chịu trách nhiệm đối với vụ tự tử của một nhân viên trong năm 1991 vì thời gian làm việc quá mức đã đẩy ông này vào tình trạng trầm cảm.

Trong một e-mail gửi người lao động hôm 17-10, Giám đốc điều hành Dentsu, Tadashi Ishii cho biết, công ty có thể đối mặt với việc bị truy tố hình sự do cái chết của Takahashi. Ông này cũng cho biết công ty sẽ giảm giới hạn giờ làm thêm hàng tháng từ 70 giờ xuống 65 giờ một tháng, theo một bản sao email mà Reuters có được. Dentsu nói với Reuters rằng hãng đang phối hợp với nhà chức trách và từ chối bình luận thêm.

Theo Reuters, Takahashi bắt đầu phàn nàn trên Twitter về việc sếp nam xỉ nhục ngoại hình của cô, việc cô chỉ ngủ 2-3 giờ/ngày và thường xuyên làm việc vào cuối tuần. “Khi bạn dành 20 giờ mỗi ngày tại văn phòng, bạn không hiểu bạn đang sống vì cái gì”, cô viết ngày 18-12.

Đến ngày lễ Giáng sinh, cô nhảy khỏi ký túc xá của công ty. “Con gái tôi sẽ không bao giờ quay trở lại. Không có công việc nào quan trong hơn cuộc sống của bạn. Tôi rất hy vọng rằng, karoshi không xảy ra nữa”, mẹ của Takahashi chia sẻ.