Chế tài đối với hành vi cấm cản vô cớ thành viên trong gia đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, chị N.T.H ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi “dù đã lấy chồng được 5 năm nhưng chưa khi nào tôi được đón Tết tại nhà bố mẹ đẻ vì chồng tôi cấm cản. Tôi được biết hiện đã có chế tài xử phạt đối với hành vi này. Thực hư quy định đó ra sao”?

Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó khoản 1 Điều 55 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.

Vào dịp Tết, về quê ngoại để đoàn tụ gia đình là nhu cầu chính đáng của mỗi người phụ nữ đã kết hôn. Nếu người chồng có hành vi cấm cản, đe dọa không cho vợ về quê ngoại gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với vợ thì có thể bị phạt hành chính theo quy định trên – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Thu, ngoài hành vi trên, tại Nghị định 144/2021, các mức phạt liên quan đến những hành vi bạo lực gia đình khác cũng tăng mạnh, thậm chí nhiều vi phạm đã tăng mức phạt lên gấp 10 lần.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt nặng

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt nặng

Cụ thể, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 1 - 1,5 triệu đồng theo Điều 49 Nghị định 167/2013); Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 500.000 - 01 triệu đồng theo Điều 51 Nghị định 167/2013)

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 10 - 20 triệu đồng với một trong những hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối;

Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…(trước đây chỉ phạt 1,5 - 2 triệu đồng theo Điều 49, 50 Nghị định 167/2013).

Ngoài ra, cá nhân không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.