Cháy xưởng sản xuất nến và cồn khô đã lộ nhiều sai phạm

ANTD.VN - Từ vụ một cơ sở sản xuất nến, cồn khô trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội bị cháy, đã hé lộ nhiều sai phạm khi đường dẫn chân cầu vượt Phương Bảng được "nắn" để có đất cho doanh nghiệp thuê...

Hình ảnh bên trong xưởng sản xuất nến, cồn khô sát chân cầu vượt Phương Bảng sau vụ cháy xảy ra vào ngày 22-9 vừa qua

Chiều 22-9, một xưởng sản xuất nến, cồn khô có diện tích hơn 500m2 nằm sát chân cầu vượt Phương Bảng (xã Song phương, huyện Hoài Đức) phát hỏa. Được biết, xưởng sản xuất nến, cồn khô này của gia đình ông Nguyễn Tiến Kiên và bà Đỗ Thị Mận (vợ ông Kiên, ở xã Song Phương).

“Cháy nhà ra mặt chuột”

Theo một số nhân chứng cho biết, trước khi đám cháy bùng phát, tại khu xưởng này phát ra nhiều tiếng nổ. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH, CATP Hà Nội) đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để dập tắt ngọn lửa.

Ngoài ra, lực lượng PCCC của Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng tăng cường thêm 2 xe chữa cháy chuyên dụng để hỗ trợ, khống chế ngọn lửa. Sau gần 2 giờ, lực lượng PCCC và CNCH đã kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, toàn bộ khu xưởng đã bị thiêu rụi. Đám cháy xảy ra trong nhiều giờ liên tục khiến nhiều người xung quanh hoảng sợ. Một số cây lâu niên của các gia đình bên cạnh cũng bị lửa thiêu rụi.

Ông Phạm Công Minh, nhà sát khu xưởng này cho biết, xưởng cồn khô xảy cháy đã hoạt động được khoảng hơn 3 năm nay. Nhiều người dân trong làng trước đó cũng đã không khỏi lo lắng về việc nguy cơ cháy nổ xưởng sản xuất cồn khô, nến của gia đình ông Kiên mỗi khi họ lưu thông qua đây và điều này đã diễn ra đúng như dự đoán của họ”.

Theo quan sát của phóng viên, khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, bên trong xưởng ngổn ngang gạch ngói, bìa carton, dây điện loằng ngoằng. Nhiều tấm tôn, thanh sắt dồn đống bên cạnh những vết loang lổ màu đỏ của cồn và các chất tạo màu.

Xưởng sản xuất cồn khô, nến nằm sát chân cầu vượt Phương Bảng, đã được người dân cảnh báo sớm xảy ra nguy cơ cháy

Cũng theo người dân địa phương, đây không phải là lần đầu tiên tại khu vực này xảy ra vụ cháy xưởng sản xuất cồn khô. Trước đó, chiều 22-2-2014, vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại xưởng pha chế cồn khô, cồn thạch, sát đê Song Phương, do bà Đỗ Thị Mận làm chủ, cũng khiến cho những người dân sống xung quanh không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, khu đất nằm sát chân cầu vượt Phương Bảng, xã Song Phương được gia đình bà Mận thuê lại với thời hạn 11 năm (từ ngày 1-4-2014 đến 1-4-2025) của Công ty cổ phần vật tư thiết bị an toàn giao thông (ATGT) Quang Tuyến, mục đích để làm xưởng sản xuất nến, cồn khô, mà không có đầy đủ giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng cấp phép.

"Nắn" công trình... để có đất cho thuê

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ diện tích đất lên tới hàng nghìn mét vuông này xuất phát từ việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của dân để thực hiện dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc và giao cho Tổng công ty Xuất nhập khẩu (XNK) xây dựng Việt Nam.

Sau đó, khu đất này được Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư mở rộng đường Láng - Hòa Lạc làm lán trại, dựng nhà khung sắt mái tôn để làm nơi tập kết các phương tiện, máy móc và các trang thiết bị, phục vụ thi công công trình và bảo trì đường Láng - Hòa Lạc.

Ngay sau đó, gia đình ông Kiên, bà Mận vội vàng xây dựng lại xưởng nhưng đã bị chính quyền địa phương "tuýt còi" vì trái phép

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, một số hạng mục công trình thuộc dự án này đã cơ bản hoàn thành, khu đất trên không hiểu vì sao lại giao cho Công ty cổ phần vật tư thiết bị ATGT Quang Tuyến đứng tên, ký hợp đồng cho gia đình bà Đỗ Thị Mận và ông Nguyễn Tiến Kiên thuê lại với số tiền 10 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Khoa cho biết, khu đất này thuộc hành lang giao thông, chân cầu vượt Phương Bảng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Công ty cổ phần vật tư thiết bị ATGT Quang Tuyến ký hợp đồng cho hộ gia đình bà Mận, ông Kiên thuê lại. Do đất này đã được thu hồi để phục vụ thi công dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, nên không thuộc thẩm quyền của xã và chính quyền xã chỉ quản lý về mặt hành chính và trật tự xây dựng.

“Theo thông thông tin chúng tôi nắm được, để có khu đất này, quá trình thực hiện dự án, đơn vị thiết kế, thi công lại dịch chuyển chân cầu vượt này, “nắn” cả kênh thủy lợi cấp 3 Đan Hoài thì mới thừa lại khu đất để cho thuê”, ông Nguyễn Đức Khoa nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Song Phương, sau khi xảy ra vụ cháy, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng thu thập hồ sơ về nguồn gốc khu đất này. Bởi lẽ, nếu đất không sử dụng đến cần phải bàn giao lại cho địa phương, chứ không để doanh nghiệp cho thuê bừa bãi như vậy.

Ông Nguyễn Đức Khoa giải thích cho phóng viên khu đất này do đơn vị thi công thiết kế, "nắn" kênh thủy lợi cấp 3 Đan Hoài mới dư đất để cho thuê

“Việc hộ gia đình ông Kiên bà Mận sản xuất nến, cồn khô không được cơ quan chức năng cấp phép đảm bảo hoạt động đã khiến cho dư luận không khỏi lo lắng về nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực hiện chỉ đạo của thành phố và UBND huyện, xã đang yêu cầu các bên mang giấy tờ lên ủy ban để làm việc và kiên quyết xử lý việc xây dựng trái phép trên khu đất này”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Thinh, công chức Địa chính xã Song Phương cho biết, sự việc này cũng được UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo phải kiên quyết xử lý những vi phạm tại khu đất này. Cán bộ thanh tra xây dựng, địa chính được giao giám sát, phối hợp với lực lượng Công an xã thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời xử lý nếu như phát hiện vi phạm tại đây.

Được biết, ngày 13-10, UBND xã Song Phương đã có văn bản báo cáo UBND huyện Hoài Đức, trong đó đã đề nghị Tổng công ty XNK xây dựng Việt Nam và Công ty cổ phần vật tư thiết bị ATGT Quang Tuyến bàn giao lại khu đất trên để xã Song Phương quản lý.